Công tố viên tỉnh Mazandaran, phía bắc Iran, ngày 26/9 thông báo khoảng 450 người bị bắt tại địa phương trong 10 ngày qua. Những người này tham gia biểu tình sau cái chết của Mahsa Amini, 22 tuổi, người bị “cảnh sát đạo đức” ở thủ đô Tehran bắt giam với cáo buộc “quần áo không đàng hoàng” vì mang khăn trùm hijab không phù hợp luật Hồi giáo.
Các nhóm nhân quyền cho rằng 41 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình, song con số thật sự có thể cao hơn. Tổ chức Ân xá Quốc tế thông báo ít nhất 4 trẻ em thiệt mạng khi giới chức Iran trấn áp biểu tình, đồng thời cáo buộc họ “bắn đạn thật có chủ ý vào người biểu tình”.
Biểu tình tiếp tục diễn ra vào đêm 25/9 tại thủ đô Tehran và các thành phố Yazd, Isfahan và Bushehr. Một số báo cáo cho biết sinh viên ba đại học tại thủ đô Tehran từ chối tham gia các lớp học.
Nhóm bảo vệ quyền lợi người Kurd có tên Hengaw, trụ sở tại Na Uy, thông báo một cuộc biểu tình được tổ chức tại Saqqez, quê nhà của Amini, bất chấp binh sĩ Iran hiện diện dày đặc tại địa phương.
Iran chưa bình luận về thông tin của các nhóm nhân quyền.
Amini bị bắt ngày 13/9, nhập viện trong tình trạng hôn mê và tử vong ngày 16/9. Giới chức nói rằng Amini bị đột quỵ và đau tim, đồng thời phủ nhận cảnh sát đã hành hung cô.
Trong khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền tại Iran cho biết Amini bị chấn thương nặng ở vùng đầu khi cảnh sát bắt, khiến nạn nhân hôn mê suốt ba ngày rồi qua đời.
Bộ Nội vụ Iran Ahmad Vahidi cam kết tiếp tục điều tra cái chết của Mahsa Amini, đồng thời kêu gọi người dân kiên nhẫn chờ kết quả giám định pháp y chính thức.
Ông Vahidi cũng chỉ trích “một số lực lượng thiếu trách nhiệm đang kích động bạo lực, chống lưng bởi Mỹ, các nước châu Âu và những nhóm chống phá cách mạng Hồi giáo”.
Liên Hợp Quốc kêu gọi mở cuộc điều tra khách quan về cái chết của Amini. “Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc sử dụng bạo lực đối với phụ nữ và việc phủ nhận phẩm giá cơ bản của con người khi thực thi các chính sách trùm đầu bắt buộc do nhà nước ban hành”, các chuyên gia LHQ cho biết trong tuyên bố ngày 22/9.
Nguyễn Tiến (Theo Guardian)
Để lại một phản hồi