Sáng 9/9, một tiếng nổ lớn vang lên trên bãi đất cằn ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, khi lô đạn pháo, cối và lựu đạn sót lại sau chiến tranh được tiêu hủy. Người điểm hỏa kích hoạt khối nổ không phải các nhân viên rà phá bom mìn như thường lệ, mà là bà Bonnie Jenkins, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế, người rất quan tâm đến hợp tác xử lý bom mìn và tăng cường quan hệ Việt – Mỹ.
Bà Jenkins thăm Việt Nam ngày 8-10/9, với một trong những chủ đề trọng tâm là vai trò của phụ nữ trong rà phá bom mìn, khắc phục hậu quả chiến tranh. Đó là lý do bà tới Quảng Trị, tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao nhất cả nước với 82% diện tích đất vẫn còn bom mìn sót lại sau chiến tranh.
Theo ước tính của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia (VNMAC), Việt Nam có khoảng 800 nghìn tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.
VNMAC cho biết từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40.000 người bị chết, 60.000 người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chỉ riêng ở Quảng Trị, vật liệu nổ còn sót lại đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương, theo số liệu được UBND tỉnh công bố hồi tháng 8.
Để hỗ trợ Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn, từ năm 1996 đến nay, 34 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 23 tổ chức quốc tế, trong đó có Peace Trees Vietnam (Cây Hòa bình Việt Nam), có trụ sở ở Seattle, Washington, Mỹ, đang triển khai hoạt động tại địa phương này.
Các tổ chức tại Quảng Trị duy trì gần 1.000 nhân viên kỹ thuật được đào tạo bài bản theo chuẩn quốc tế, được cấp trang thiết bị, phương tiện hiện đại và đã rà phá được hơn 9.100 ha đất, phá hủy trên 535.000 bom mìn và vật liệu nổ các loại.
Thứ trưởng Jenkins cho biết từ năm 1993 đến nay, Mỹ đã cung cấp khoảng 200 triệu USD cho các chương trình tiêu hủy vũ khí truyền thống tại Việt Nam với mục đích rà phá bom mìn, vật liệu nổ, giáo dục về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ nâng cao năng lực quốc gia.
Hoạt động hỗ trợ của Mỹ được tiến hành thông qua các dự án cung cấp cố vấn kỹ thuật, hỗ trợ quản lý thông tin cho VNMAC, cũng như cấp ngân sách cho các tổ chức phi chính phủ như Peace Trees Vietnam và chuyển giao trang thiết bị, huấn luyện nhân lực phục vụ rà phá bom mìn.
Peace Trees Vietnam chuyên xử lý vấn đề sau chiến tranh thông qua hoạt động rà phá bom mìn, hỗ trợ cộng đồng và ngoại giao nhân dân. Tổ chức tới nay đã rà phá bom mìn trên gần 2.000 ha, xử lý và tiêu hủy gần 137.000 vật liệu nổ, mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 290.000 người ở Quảng Trị.
Tổ chức cũng hỗ trợ 215 nạn nhân và 62 gia đình chịu ảnh hưởng bởi bom mìn sau chiến tranh, cấp hơn 3.200 suất học bổng tại địa phương.
Một trong những nữ nhân viên rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị có mặt tại cuộc gặp bàn tròn với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hôm 9/9 là Hồ Thị Duyên, 28 tuổi, nhân viên kỹ thuật của Peace Trees Vietnam.
Duyên là người dân tộc Vân Kiều, trước đây làm cấp dưỡng trong trường mầm non, nhưng đã quyết định thử sức khi Peace Trees Vietnam tuyển thêm nhân viên. Biết tin cô đăng ký tham gia rà phá bom mìn, gia đình đã góp ý, cho rằng công việc quá nguy hiểm và vất vả với nữ giới, nhưng Duyên vẫn quyết tâm tham gia nhận thấy ý nghĩa của công việc mình đang làm.
Duyên được Peace Trees Vietnam đào tạo làm nhân viên kỹ thuật, dùng xẻng đào tìm vật liệu nổ trong lòng đất. Cô cho hay ban đầu “cũng hơi sợ”, nhưng sau quá trình tập huấn và được hướng dẫn trên hiện trường, Duyên nhận thấy công việc này rất an toàn khi tuân thủ mọi quy trình.
Nữ giới đóng vai trò không nhỏ trong nỗ lực xử lý vật liệu nổ ở Quảng Trị, có những nhóm thăm dò và rà phá bom mìn chỉ toàn phụ nữ. Với nỗ lực của đội ngũ những nhân viên kỹ thuật như Duyên, số nạn nhân bom mìn ở Việt Nam đã giảm từ gần 400 trước năm 2010 xuống dưới 50 trong những năm gần đây, theo số liệu được Bộ Quốc phòng công bố hồi tháng 2. Tỉnh Quảng Trị không ghi nhận tai nạn bom mìn trong năm 2019 và 2020.
“Sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng trong nỗ lực rà phá bom mìn ở Quảng Trị là câu chuyện tuyệt vời trong quan hệ Việt – Mỹ”, Thứ trưởng Jenkins nói với VnExpress. “Chứng kiến buổi trình diễn thăm dò và rà phá bom mìn ở xã Triệu Sơn, tôi rất ấn tượng với năng lực của đội ngũ rà phá, quá trình huấn luyện, công nghệ và thời gian được dành cho lực lượng này”.
Bà cho biết qua các cuộc trao đổi, một số nữ nhân viên rà phá bom mìn tâm sự họ tham gia hoạt động này sau khi chứng kiến người thân, bạn bè thương vong vì vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.
“Họ tràn đầy năng lượng, dành hết tâm trí cho công việc và mang lại nguồn cảm hứng, đó là hình mẫu cho nữ giới và cả những người đàn ông”, bà Jenkins cho hay. “Một cô gái đã nói rằng tiếng nổ nghe thấy sau mỗi ca làm việc nhắc nhở rằng họ đang xóa sổ những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh”.
Hoạt động của các nữ nhân viên rà phá bom mìn tại Quảng Trị
Trong suốt chuyến thăm, bà Jenkins nhiều lần đề cập đến vai trò của phụ nữ trong hòa bình và an ninh, đây cũng là vấn đề được bà theo đuổi suốt nhiều năm qua, nhất là khi từng công tác trong các lĩnh vực được cho là do nam giới nắm chủ đạo như quân sự và chính trị.
“Tôi luôn nói với những phụ nữ làm việc trong các lĩnh vực được coi là của nam giới rằng họ cần có niềm tin vào bản thân, luôn tự nhắc nhở rằng họ có thể thành công trong lĩnh vực đó như bất kỳ ai khác”, bà nói.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng rà phá bom mìn sót lại sau chiến tranh là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển quan hệ Việt – Mỹ trong những năm qua, trong đó hoạt động tại Quảng Trị được coi là nền móng để hai nước củng cố hợp tác.
“Một số lĩnh vực mà chúng tôi đang phối hợp gồm an ninh biên giới và phát triển quan hệ giữa quân đội hai nước. Vấn đề rà phá bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh thực sự đã đặt nền móng cho điều này”, bà Jenkins chia sẻ.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho hay trong bối cảnh Mỹ vẫn duy trì cam kết và dành nhiều quan tâm cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một trong những mục tiêu chính của bà trong chuyến thăm Việt Nam là tìm phương cách tiếp tục xây dựng quan hệ song phương, bởi Mỹ coi Việt Nam là đối tác có nhiều tiềm năng phát triển.
Hợp tác an ninh và quốc phòng giữa hai nước đã phát triển đáng kể những năm qua, trong đó có các đợt Mỹ chuyển giao tàu tuần tra, máy bay không người lái (UAV) và xuồng cao tốc cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo bà, quân đội Mỹ và Việt Nam đang thảo luận và hoàn thiện kế hoạch chuyển giao tàu tuần tra lớp Hamilton thứ ba cho Cảnh sát biển Việt Nam. “Chúng tôi lắng nghe các đối tác ở Việt Nam về những gì họ đang tìm kiếm và cảm thấy cần thiết để bảo đảm an ninh cho đất nước. Chúng tôi rất muốn phản ứng nhanh nhạy với các đề xuất này”, bà cho hay.
“Chính phủ Mỹ rất coi trọng quan hệ hai nước. Chúng tôi thấy rằng quan hệ Việt – Mỹ đã tiến rất xa và vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều lĩnh vực để hai bên cùng hợp tác”, Thứ trưởng Jenkins chia sẻ. “Tôi nghĩ rằng quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển”.
Vũ Anh
Để lại một phản hồi