“Khi tôi đến đây lần đầu năm 1986, chỉ có một lò phản ứng. Bây giờ có tới 5 lò”, người phụ nữ 74 tuổi nói về nhà máy điện hạt nhân Wolsong cách đó vài phút đi bộ. “Tệ nhất là tôi không bán được nhà khi muốn chuyển chỗ”.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người nhậm chức hồi tháng 5, đang thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân để thay thế nhiệt điện, nhằm đáp ứng mục tiêu khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng. Chính phủ muốn tăng tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng quy hoạch điện quốc gia từ 27% hiện nay lên 33% vào năm 2030.
Tại đất nước có diện tích bằng bang Indiana của Mỹ, nơi đang có 24 lò phản ứng hoạt động, chính phủ đang đề xuất xây thêm 6 nhà máy điện hạt nhân vào năm 2036, làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng hàng trăm người sống tại khu vực có mật độ xây dựng năng lượng nhà máy hạt nhân dày đặc nhất thế giới.
24 lò phản ứng có năng suất 23.250 mW tập trung ở 4 địa điểm, với 5-7 lò ở một địa điểm và khoảng 5 triệu người sinh sống trong phạm vi 30 km quanh các nhà máy, theo dữ liệu năm 2019 do nhà lập pháp Wi Seong-gon thu thập.
Các chuyên gia hạt nhân khẳng định lò phản ứng xây dựng với mức độ tập trung như hiện tại không mất an toàn, nhưng một bộ phận người dân không tin tưởng.
“Đã có vài con bò xấu xí sinh ra, đã có người sảy thai, không ai rõ tại sao”, Kim Jin-sun, chủ một trại chăn nuôi 75 tuổi sống gần Wolsong cho hay. “Dù tôi muốn bán nhà hay ruộng đất để chuyển đi nơi khác cũng không ai mua”.
Trong khi nhiều người Hàn Quốc ủng hộ thúc đẩy năng lượng hạt nhân, một bộ phận nhỏ đang kêu gọi cắt giảm. Cuộc khảo sát do Gallup Korea thực hiện từ ngày 28 đến 30/6 trên 1.000 người Hàn Quốc cho thấy 39% ủng hộ mở rộng, 30% muốn duy trì như hiện tại, 18% kêu gọi cắt giảm.
Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020, Hàn Quốc xếp thứ 5 trên thế giới về sản xuất hạt nhân, sau Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Nga. Vì Hàn Quốc là nơi khan hiếm tài nguyên, các chuyên gia cho rằng năng lượng hạt nhân là yếu tố quan trọng giữ đất nước phát triển và cung cấp năng lượng cho các ngành sản xuất Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới như xuất khẩu chip, ôtô, bảng hiển thị điện tử và pin xe điện.
“Hàn Quốc sản xuất những thứ mà nước khác cần nên tiêu thụ nhiều năng lượng hơn so với quy mô dân số. Nhưng chúng tôi không thể cắt giảm sử dụng điện vì nếu giảm, chúng tôi sẽ nghèo đi”, Chung Bum-jin, giáo sư kỹ thuật hạt nhân Đại học Kyung Hee nói.
Ông Chung cho hay năng lượng hạt nhân ít bị biến động giá nhiên liệu ảnh hưởng, vì giá uranium chiếm dưới 10% tổng chi phí sản xuất điện và nhiên liệu hạt nhân có thể dự trữ nhiều năm, không giống dầu mỏ, khí đốt hay than đá.
Hwang, người nói rằng bà mắc ung thư tuyến giáp vì chất phóng xạ từ nhà máy, suốt thập kỷ qua đã tích cực kêu gọi chính phủ ban hành luật tài trợ tái định cư cho người dân sống gần các nhà máy.
Vài năm gần đây, bà và nhiều người dân sống gần các lò phản ứng đã tổ chức biểu tình, gặp gỡ các nhà lập pháp.
“Một lượng nhỏ hạt nhân có thể được phát hiện trong cơ thể hay môi trường của người dân sống gần nhà máy điện hạt nhân, nhưng cáo buộc lượng chất phóng xạ được phát hiện trong cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe là vô căn cứ”, công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân Kore Hydro & Nuclear Power tuyên bố.
Công ty cho hay lượng tritium tối đa phát hiện trong mẫu nước tiểu cư dân quanh Wolsong từ năm 2018 tới 2020 là 0,00034 mSv, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn giới hạn với dân chúng, còn mức phơi nhiễm hàng năm thấp hơn nhiều so với bức xạ tự nhiên.
“Lượng bức xạ phát hiện ở Wolsong tương đương ăn 6 quả chuối mỗi năm, loại quả giàu kali”, Jeong Yong-hoon, giáo sư ngành kỹ thuật lượng tử và hạt nhân tại Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), nói.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)
Để lại một phản hồi