Cụ thể, trong thời gian từ ngày 31/8 đến ngày 8/9, cổ phiếu KPF có 5 phiên giảm sàn liên tiếp, từ mức giá 21.050 đồng/cổ phiếu xuống mức 15.850 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu KPF tăng thẳng đứng sau đó giảm sàn liên tục (Nguồn: FireAnt). |
Được biết, từ ngày 12/8 đến 30/8, cổ phiếu KPF tăng 104,5% từ 11.050 đồng lên 22.600 đồng/cổ phiếu và sau đó, cổ phiếu giảm tới ngày 13/9, tương ứng giảm 32,3% về còn 15.300 đồng/cổ phiếu.
Công ty cho rằng, do cung cầu của thị trường theo quyết định của các nhà đầu tư nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty.
Hiện tại, Công ty cũng chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu KPF khiến cổ phiếu này tăng giảm liên tục trong thời gian vừa qua.
Theo Công ty, trong trường hợp có các thông tin, sự kiện nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu KPF trong thời gian qua, Công ty đề nghị HoSE thông tin đến công ty để có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính, làm rõ sự kiện, thông tin đó.
Ở một diễn biến khác, hỗ trợ cho đà tăng này là thông tin cuối tháng 6/2022, Công ty Hoàng Minh thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 47,27 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 1.081,4 tỷ đồng, với giá 13.000 đồng/cổ phiếu để huy động vốn, cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Theo đó, Công ty cổ phần VN Stock dự kiến mua 22,5 triệu cổ phiếu, chiếm 20,81% vốn điều lệ sau phát hành; Công ty cổ phần VN Value dự kiến mua 23,63 triệu cổ phiếu, chiếm 21,86% vốn điều lệ sau phát hành; Lin Yi Hoang mua 1,13 triệu cổ phiếu, chiếm 1,05% vốn điều lệ sau phát hành. Như vậy, 3 nhà đầu tư này sẽ chiếm 43,71% vốn điều lệ sau khi phát hành.
Trong tổng số tiền huy động 614,5 tỷ đồng, Công ty Hoàng Minh dự kiến dùng 369,5 tỷ đồng đầu tư mua 199 căn hộ du lịch thuộc Dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng và 245 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty cổ phần Tri Việt Hội An từ các cổ đông hiện hữu.
Xét về hoạt động trong kinh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Tài chính Hoàng Minh không ghi nhận doanh thu so với cùng kỳ ghi nhận 25 tỷ đồng, tức giảm 25 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 46,95 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, với việc không ghi nhận doanh thu, lợi nhuận gộp cũng không ghi nhận so với cùng kỳ ghi nhận 25 tỷ đồng (giá vốn hàng bán trong 6 tháng đầu năm 2021 không ghi nhận nên doanh thu bằng lợi nhuận gộp là 25 tỷ đồng); doanh thu tài chính tăng 94,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 27,03 tỷ đồng lên 55,53 tỷ đồng; chi phí tài chính không ghi nhận so với cùng kỳ ghi nhận 0,17 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận 4 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ; và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Cơ cấu doanh thu tài chính trong 6 tháng đầu năm 2022 của KPF (Nguồn: BCTC). |
Như vậy, mặc dù không ghi nhận doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng so với cùng kỳ chủ yếu do ghi nhận doanh thu tài chính tăng đột biến.
Công ty cho biết doanh thu tài chính đột biến chủ yếu do ghi nhận 29,04 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia; 12,05 tỷ đồng lãi tiền gửi, lãi cho vay; 9,06 tỷ đồng lãi từ hoạt động đầu tư; và 5,4 tỷ đồng lãi trái phiếu.
Trong năm 2022, Tài chính Hoàng Minh đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 205 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành 22,9% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh tiếp tục ghi nhận âm 157,7 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 107,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 155,2 tỷ đồng và dòng tiền tài chính không ghi nhận.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Tài chính Hoàng Minh tăng 6,6% so với đầu năm lên 777,6 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là phải thu ngắn hạn đạt 399,4 tỷ đồng, chiếm 51,4% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 210 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản; đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 167,4 tỷ đồng, chiếm 21,5% tổng tài sản.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9, cổ phiếu KPF giảm sàn 1.100 đồng về 15.300 đồng/cổ phiếu.
Để lại một phản hồi