TP.HCM nằm trong nhóm giải ngân đầu tư công thấp nhất cả nước

Ngày 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Dự án cầu Nam Lý ghi vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng, song không giải ngân được đồng nào tính đến ngày 31/7/2022. Ảnh minh họa
Dự án cầu Nam Lý, Thành phố Thủ Đức ghi vốn năm 2022 là 380 tỷ đồng, song đến cuối tháng 7/2022 vẫn chưa giải ngân được đồng nào

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM báo cáo về tình hình giải ngân đầu tư công vì Thành phố nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước.

Báo cáo Thủ tướng về tình hình giải ngân đầu tư công tại Thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, tính đến ngày 23/9, Thành phố giải ngân được 10.877 tỷ đồng, trong tổng số 37.997 tỷ đồng vốn được giao. Trong đó, vốn ngân sách trung ương chỉ giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%.

Đánh giá về khả năng giải ngân đầu tư công của Thành phố từ nay đến cuối năm 2022, ông Mãi cho biết, một số dự án lớn, như Dự án Tham Lương – Bến Cát, Dự án mở rộng Quốc lộ 50, nút giao An Phú, tổng số vốn gần 1.700 tỷ đồng, cuối năm sẽ hoàn thành giải ngân vì theo kế hoạch Dự án Quốc lộ 50 và nút giao An Phú khởi công vào quý IV năm nay.

Còn lại hai dự án vốn vay nước ngoài là Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 và dự án Giao thông xanh, có khả năng không giải ngân hết vốn theo kế hoạch năm.

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trước đây các dự án tách phần giải phóng mặt bằng với xây lắp làm các dự án riêng, sau này nhập lại để điều chỉnh hồ sơ dự án nên mất rất nhiều thời gian. Khi dự án chưa điều chỉnh xong thì chưa thể giải ngân được.

Một nguyên nhân khác lâu nay vẫn chưa có phương án giải quyết nhanh đó là giải phóng mặt bằng. Theo Chủ tịch UBND TP.HCM giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó nên Thành phố đang tập trung làm quyết liệt. “Vừa qua, Thành phố làm quyết liệt giải phóng mặt bằng nên một số dự án tồn tại cả chục năm cũng đã giải phóng mặt bằng xong và khởi động trở lại” ông Mãi thông tin.

Ngoài ra, do giá cả, vật liệu xây dựng, nhân công tăng cao thời gian qua khiến nhà thầu thi công cầm chừng nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đối với các dự án ODA, các thủ tục điều chỉnh dự án, bố trí vốn, điều chỉnh hiệp định vay, mất rất nhiều thời gian.

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công từ nay đến cuối năm 2022, ông Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đã thành lập các tổ công tác chuyên ngành, chuyên đề, rà từng dự án với từng chủ đầu tư, đến nay đã gỡ được rất nhiều. Trong đó, nhiều dự án đến tháng 11 hoặc tháng 12 sẽ giải ngân đạt kế hoạch, dù hiện nay chưa giải ngân được đồng nào.

Dự kiến đến tháng 10, nhiều dự án tại TP.HCM sẽ giải phóng được mặt bằng để tiến hành thi công.

Để tăng tính kỷ luật trong giải ngân đầu tư công, thời gian tới TP.HCM sẽ tăng trách nhiệm đối với chủ đầu tư từng dự án. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị Thủ tướng thành lập tổ đôn đốc giải quyết khó khăn vướng mắc cho TP.HCM liên quan đầu tư công và các vấn đề khác.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*