Việt kiều kể hành trình chuộc người từ casino Campuchia

Cách đây khoảng ba năm, ông Chae Sok, đại diện Hội Việt Nam Khmer tại tỉnh Preah Sihanouk, đông nam Campuchia, nhận được một đề nghị từ hai cô gái đến từ Tây Nguyên. Hai cô nhờ ông đến một casino trong tỉnh Preah Sihanouk để giúp chuộc họ ra, tiền chuộc sẽ do gia đình ở Việt Nam gửi sang.

“Ban đầu tôi nghĩ mình chỉ cần đến bình thường, giao tiền rồi đưa người về, nhưng đến khi đụng mặt trực tiếp thì mới thật sự hiểu tình hình không bình thường chút nào”, Việt kiều đã sinh sống và làm ăn gần 35 năm tại Preah Sihanouk kể với VnExpress.

Hôm ấy ông đi cùng một người trẻ tuổi hơn, tìm đến điểm hẹn được “công ty” gửi qua định vị trên bản đồ. Ông phải men theo tuyến đường độc đạo, tới một khu vực hẻo lánh trong tỉnh, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km.

Nơi gặp mặt là một căn nhà kín bưng, không cửa sổ, tường bao quanh cao khoảng ba mét, nằm giữa đồng không mông quạnh. Đón đầu ông là hơn 10 bảo vệ người Campuchia “trang bị tận răng”, thái độ dữ dằn, cùng khoảng 4 người nước ngoài có vai trò như chỉ huy.

Nhóm lao động Việt Nam được trao trả tại cửa khẩu An Giang, trở về từ Campuchia, ngày 1/9. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Nhóm lao động Việt Nam được trao trả tại cửa khẩu An Giang, trở về từ Campuchia, ngày 1/9. Ảnh: Nguyễn Khánh.

Dù đã thỏa thuận trước về số tiền chuộc người, khi ông Chea Sok đến nơi, nhóm người kia trở mặt, đòi ông đưa hết tiền nhưng chỉ chấp nhận thả một người, muốn chuộc được cả hai thì phải đưa thêm tiền.

“Lúc đấy tôi cảm thấy họ nói chuyện quá vô lý”, ông kể, cho hay bản thân bắt đầu cảm thấy chột dạ trước tình thế không ổn. “Nhưng đã liều đến tận nơi cứu người thì không thể về tay không”.

Ông lập tức quay đầu xe đậu sát lề đường, vờ như chuẩn bị bỏ đi, đồng thời yêu cầu nhóm bảo vệ thả đủ hai người thì mới đưa tiền. “Tiền tôi đã chuẩn bị cả đây. Các ông có đến mười mấy người, chúng tôi chỉ đi có hai người, các ông còn sợ gì nữa”, ông Chea Sok nói.

Sau một lúc thương lượng với nhau, nhóm bảo vệ cũng chấp nhận thả hai cô gái Việt Nam lên xe. Đến khi xe chạy được một đoạn, ông cùng cộng sự ngoái nhìn lại không thấy ai bám theo mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Đó là chuyến chuộc người đầu tiên của ông Chea Sok từ casino trên đất Campuchia, nhưng không phải là lần cuối cùng. Trong gần ba năm qua, ông cùng bạn bè và anh em trong Hội Việt Nam Khmer không nhớ đã hỗ trợ chuộc bao nhiêu người khỏi hang ổ buôn người và cưu mang đồng hương Việt Nam tự trốn thoát thành công ở Preah Sihanouk.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết từ đầu năm đến nay đã can thiệp, hỗ trợ pháp lý cho gần 2.000 trường hợp công dân Việt Nam gặp khó khăn ở nước bạn. Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng Campuchia đưa về nước hơn 600 công dân bị lừa, môi giới lao động bất hợp pháp.

Cảnh sát bắt nghi phạm và tịch thu súng trong chiến dịch truy quét tội phạm buôn người ở Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk, ngày 26/5. Ảnh: Khmer Times.

Cảnh sát bắt nghi phạm và tịch thu súng trong chiến dịch truy quét tội phạm buôn người ở Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk, ngày 26/5. Ảnh: Khmer Times.

Ông Chea Sok cho hay không ít trường hợp nạn nhân của các đường dây buôn người tự liên lạc thông qua đầu mối riêng để tìm phương án chuộc người mà không liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các tỉnh và thủ đô Campuchia.

Chưa đầy một tháng trước, ông hỗ trợ chuộc người Việt khỏi một công ty trá hình, khi bên chủ ra điều kiện đóng khoảng 4.500 USD để thả người.

Gia đình nạn nhân ở TP HCM đã tự thu xếp được đầu mối liên lạc và phương án hồi hương từ Phnom Penh. Ông hỗ trợ giao tiền đến điểm hẹn, nhận người rồi tìm phương tiện đi lại đảm bảo an toàn, đáng tin cậy để họ đến thủ đô Campuchia.

Chea Sok nói đã rút được nhiều kinh nghiệm từ sau lần chuộc người đầu tiên. Mỗi lần lên đường hỗ trợ các gia đình Việt Nam giải cứu người thân, ông cẩn thận báo trước địa chỉ điểm hẹn cho những người có trách nhiệm tại Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở Sihanoukville và cơ quan chức năng nước sở tại để đề phòng bất trắc.

Ông cảnh báo quá trình đàm phán chuộc người với các đường dây này không đơn giản và “không phải cứ đưa tiền là được tự do”. Mức tiền chuộc thường khá lớn, khoảng 3.000-5.000 USD.

Có những trường hợp nạn nhân liên lạc thành công với gia đình, nộp đủ tiền vào số tài khoản theo yêu cầu, nhưng do họ rời khỏi “công ty” một mình nên bị kẻ gian lừa tiếp, không đưa ra bến xe để về Việt Nam mà bán cho công ty hay casino khác.

“Cũng có trường hợp tự trốn thoát, may mắn gặp người địa phương giúp đỡ. Họ biết đó là người Việt chạy khỏi nơi cưỡng ép lao động, nên liên hệ chúng tôi hỗ trợ”, ông Chea Sok nói. “Anh em trong hội giúp đỡ nạn nhân nơi ăn chốn ở, thủ tục pháp lý và báo cáo lại với cơ quan lãnh sự”.

Những nạn nhân bị đánh đập hay nhảy lầu bị thương sẽ được Hội Việt Nam Khmer tại tỉnh Preah Sihanouk cưu mang thêm vài ngày, chờ bình phục mới kêu gọi mọi người đóng góp kinh phí để đưa họ về nước.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, các bộ phận bảo hộ công dân thời gian qua đã nhận được nhiều đơn, thư và điện thoại đề nghị hỗ trợ người Việt bị dụ dỗ sang lao động bất hợp pháp, trong đó có cả người vị thành niên hoặc đồng bào dân tộc thiểu số.

Một tòa nhà được cho là cơ sở điều hành đường dây lừa đảo trực tuyến ở thành phố Sihanoukville, Campuchia. Ảnh: SCMP.

Một tòa nhà được cho là cơ sở điều hành đường dây lừa đảo trực tuyến ở thành phố Sihanoukville, Campuchia. Ảnh: SCMP.

Điểm chung của các nạn nhân là tin vào lời hứa “việc nhẹ lương cao” ở Campuchia mà môi giới đưa ra. Ông Sim Chy, chủ tịch Hội Việt Nam Khmer ở Campuchia, cho biết những đường dây lừa gạt lao động này tập trung chủ yếu ở các tỉnh Svay Rieng, Preah Sihanouk và Kampong Speu.

Cơ quan chức năng Việt Nam thời gian qua nhận định hàng nghìn người có thể đã bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức, phải làm việc trong điều kiện cực kỳ nặng nhọc, bị giam giữ và không được nhận lương như hứa hẹn, trong khi việc giải cứu rất phức tạp.

Theo ông Chea Sok, nạn nhân của các đường dây buôn người trá hình này thường là thanh niên, phần đông được đưa sang Campuchia mà không có đủ giấy tờ hợp pháp.

“Có người mang theo hộ chiếu, nhưng chỉ có thị thực du lịch một tháng, cũng có người không mang theo bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nhân thân, vì công ty tuyển dụng hứa hẹn đài thọ hết, họ chỉ cần đi người không đến Campuchia”, ông kể.

Thực trạng này khiến nỗ lực hồi hương nạn nhân thêm phức tạp. Giới chức Campuchia và cơ quan đại diện Việt Nam phải liên hệ với địa phương nơi nạn nhân khai báo đang sinh sống để xác minh nhân thân, đề nghị cung cấp những giấy tờ cần thiết như CMND hoặc hộ khẩu.

Sau khi có được giấy bảo lãnh của cơ quan lãnh sự, người Việt đang kẹt lại tại Campuchia mới được giải quyết về nước.

“Tôi mong bà con ở Việt Nam hiểu hết tình trạng phức tạp và mức độ nguy hiểm của các đường dây này. Mọi người khi ra nước ngoài, trong đó có Campuchia, phải luôn tìm hiểu thật kỹ thông tin, nếu thấy có dấu hiệu đáng ngờ thì không nên đi nữa. Không thể tin vào câu chuyện việc nhẹ lương cao”, ông Chea Sok nhấn mạnh.

Thanh Danh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*