Martijn Rats, chiến lược gia trưởng thị trường hàng hoá của Morgan Stanley cho biết, giá dầu đang trong xu hướng giảm nhưng còn nhiều dư địa để đảo chiều leo dốc, nhất là khi có nhiều yếu tố tác động theo hướng tăng giá.
Giá dầu đã giảm kể từ mùa hè 2022, khi các quốc gia phương Tây lần đầu áp đặt các lệnh cấm vận lên các sản phẩm năng lượng từ Nga. Giá dầu đã đạt mức khoảng 130 USD/thùng trước khi theo xu hướng giảm chậm rãi.
Đáng chú ý, Martijn Rats nhấn mạnh, giá gas đã từng đạt đỉnh 180 USD/thùng và dầu diesel đạt đỉnh ở 190 USD/thùng mùa hè năm nay. Theo đó, còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng giá khi các yếu tố tác động mạnh tới nguồn cung xuất hiện.
Có 3 yếu tố mà vị chuyên gia này cho rằng sẽ đẩy giá dầu lên mức cao hơn nữa.
Thứ nhất, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh quyết định giảm sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày – một “cú nổ” với thị trường năng lượng toàn cầu, khi nhóm này đang cung cấp khoảng 40% sản lượng dầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.
Thứ hai, lượng dầu được tung ra thị trường từ Kho dự trữ chiến lược của Mỹ đang giảm xuống và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng này.
Thứ ba, có nhiều yếu tố khiến nguồn cung dầu từ Nga bị gián đoạn. Lượng dầu xuất khẩu từ Nga đã giảm xuống trước khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các lệnh cấm vận lên quốc gia này và sẽ kích hoạt toàn bộ lệnh cấm vận vào cuối năm nay. Về phía mình, Nga cũng lên tiếng cảnh báo sẽ giảm sản lượng nhằm phản ứng trước kế hoạch áp đặt trần giá dầu với sản phẩm từ Nga. Nếu điện Kremlin quyết định giảm sản lượng, nguồn cung dầu trên thế giới sẽ chịu thêm nhiều áp lực, đẩy giá dầu lên cao hơn.
“Tất cả các yếu tố này sẽ cùng tập hợp trong vài tuần hoặc 1-2 tháng tới. Khi đó, tôi cho rằng giá dầu sẽ chịu nhiều áp lực và tăng trở lại”, Martijn Rats cho biết.
Để lại một phản hồi