Dù trong hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng nên duy trì kỷ luật đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy để bảo vệ tài sản của mình.
Thị trường chứng khoán Việt Nam luôn tạo ra bẫy tăng giá trong khoảng 2 tuần qua.
Liên tục tạo bẫy tăng giá
Chỉ số VN-Index khép tuần thứ ba của tháng Mười đã giảm mạnh 38,63 điểm, đóng cửa phiên ở mức 1.019,82 điểm. Xét cho cả thứ ba, VN-Index giảm tổng cộng 42,03 điểm, tương đương mức giảm 3,96%.
Bước sang phiên giao dịch đầu tuần cuối tháng, với 45 mã tăng và 430 mã giảm, VN-Index giảm 33,67 điểm xuống 986,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 654,94 triệu đơn vị, giá trị 12.072,32 tỷ đồng, giảm 11,75% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.
Nhìn lại 2 tuần cận cuối tháng qua, thị trường có 3 lần tạo bẫy tăng giá với nhà đầu tư. Trong đó, lần thứ nhất là ngày 30/9, VN-Index đã tăng 30 điểm kể từ đáy trong phiêm. Ngay hôm sau, thị trường tiếp tục phá đáy và đánh mất nỗ lực phục hồi. Lần 2 là ngày 5/10, VN-Index tăng 26,12 điểm lên 1.104,26 điểm. Ngay hôm sau, thị trường xuất hiện thêm 2 phiên giảm sâu khiến nhiều cổ phiếu nằm sàn. Lần 3 là ngày 10/10, VN-Index tăng 6,57 điểm lên 1.042,48 điểm, sau đó thị trường lại sụt giảm và 3 hôm sau, thị trường chứng khoán lại phục hồi.
Nhiều chuyên gia nhận định, VN-Index đang cho rất nhiều tín hiệu tương tự thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện đầu năm 2020. Nhưng bối cảnh thị trường khi đó rất khác hiện nay, ví dụ thông tin dịch bệnh mang tính ngoại tác, tiền rẻ tràn ngập thị trường. Nhưng đến nay, lãi suất đã có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp căng thẳng về dòng tiền, áp lực lạm phát, xung đột Nga – Ukraine… Do đó, các nhà đầu tư nên cẩn trọng trong giao dịch, tránh rơi vào bẫy tăng giá cổ phiếu.
Điều này dường như đang được chứng thực với VN-Index sau tuần thăng hoa song hành cùng TTCK Mỹ, đang đứng trước những thách thức và có thể đảo chiều ngay trước mặt. Đà tăng chưa ổn định và chỉ trong ngắn hạn khiến bẫy tăng giá có thể rõ nét hơn.
Cách lựa chọn cổ phiếu
Thị trường rơi mạnh là cơ hội hay nguy cơ còn phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán. Bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc Nghiên cứu phân tích CTCK VNDirect cho biết, từ đây đến cuối năm 2022, trong bối cảnh dòng tiền suy yếu, TTCK khó tăng điểm bùng nổ do có ít động lực mạnh mẽ cũng như xu hướng “sóng ngành” là không rõ nét. Vì vậy, khó có thể kỳ vọng vào việc cả ngành cùng tăng giá như giai đoạn trước. Thay vào đó, thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn, cơ hội sẽ chỉ xuất hiện với từng cổ phiếu, doanh nghiệp cụ thể.
Cẩn trọng bẫy tăng gá cổ phiếu, song nhà đầu tư cũng có cơ hội để sàng lọc tạo danh mục. (Ảnh minh họa)
Trong đó, một số doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt lớn, ít sử dụng đòn bẩy, cũng có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu ngành, tỷ lệ vay nợ thấp nhưng có định giá dưới mức giá trị sổ sách cũng là lựa chọn an toàn.
Các chuyên gia cho rằng, xác suất dò đúng đáy của thị trường là rất nhỏ, vì vậy chúng ta nên tập trung đánh giá những câu chuyện cổ phiếu riêng lẻ. Nhiều doanh nghiệp có vị thế đầu ngành có mô hình kinh doanh bền vững, sức khỏe tài chính lành mạnh, ít sử dụng đòn bẩy hiện đang được định giá khá thấp so với lịch sử. Đây là cơ hội tích lũy những cổ phiếu này với biên an toàn lớn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng/giảm thất thường trong ngắn hạn, nên các nhà đầu tư cần cẩn trọng, nếu không, sẽ đối mặt nhiều rủi ro.
“Đợt điều chỉnh mạnh vừa qua cũng làm cho giá của nhiều cổ phiếu có kế hoạch trả cổ tức cao và ổn định sụt giảm, mang lại tỷ suất lợi nhuận (cổ tức/giá cổ phiếu) hấp dẫn, thậm chí là cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây cũng là những cổ phiếu “trú ẩn” tốt trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Phải nhấn mạnh rằng, trong hoàn cảnh nào thì nhà đầu tư cũng nên duy trì kỷ luật đầu tư, hạn chế sử dụng đòn bẩy để bảo vệ tài sản của mình”, bà Hiền nhấn mạnh.
Trong khi ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập FinPeace ví von, có một quan điểm khác biệt so với thị trường chung, đó là việc đầu tư dài hạn chứng khoán, hay đầu cơ ngắn hạn cũng giống như việc chúng ta đi mua đồ. Điều quan trọng là những món đồ được chọn phải phù hợp với chính bản thân mỗi người. Tương tự, không nên đầu tư bởi vì thị trường hay một chuyên gia, một đội nhóm đang thích mã cổ phiếu nào đó.
“Một trong những cơ sở mang tính quyết định khi đầu tư cổ phiếu là phải hiểu bản thân cần gì, mong muốn điều gì và sắp xếp danh mục đầu tư của mình phù hợp. Ví dụ, nhà đầu tư có tính phòng ngự cao, cẩn trọng, thì sản phẩm đầu tư sẽ là mặt hàng cẩn trọng, như cổ phiếu của các công ty có tính ổn định như điện, than,… Hoặc ngược lại, những người thích các mã cổ phiếu có câu chuyện, thì sẽ phù hợp với những công ty tăng trưởng hoặc mang tính chất sáng tạo cao”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
“Mỗi nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và coi đó là phù hợp với mình, thì mới xứng đáng là danh mục đầu tư. Nếu mã cổ phiếu đó đi ngược lại với kỳ vọng của nhà đầu tư thì hậu quả sẽ rất lớn. Điển hình là chúng ta có thể cảm thấy khó chịu dẫn đến xác suất bị bán lỗ sẽ rất cao do sự không yên tâm vào việc nắm giữ”, ông Tuấn Anh khuyến nghị.
Để lại một phản hồi