Cuộc sống bên trong vùng Nga kiểm soát ở Ukraine

“Trong 4 hoặc 5 tháng đầu tiên, chúng tôi như sống trong một xã hội tự duy trì, tự điều chỉnh”, Boris, một người dân sống phần lớn cuộc đời ở Kherson, thành phố do lực lượng Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine, kể với phóng viên BBC qua một ứng dụng nhắn tin.

Nga kiểm soát tỉnh Kherson từ giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/10 ký văn kiện chính thức sáp nhập 4 tỉnh Ukraine vào lãnh thổ, trong đó có Kherson.

Thành phố Kherson, thủ phủ tỉnh cùng tên, hiện có khoảng 280.000 dân, bằng khoảng một nửa dân số trước chiến sự. Những người khác đã sơ tán ra nước ngoài, hoặc chuyển tới khu vực do quân đội Ukraine kiểm soát.

“Thành phố khi đó thực sự vắng lặng, khung cảnh giống như hậu tận thế vậy”, Borris nói. Ông từ chối tiết lộ họ tên đầy đủ, bởi vẫn phải tiếp tục làm việc và sống tại thành phố nơi các binh sĩ và cảnh sát Nga đang kiểm soát.

Theo Boris, trong giai đoạn đầu, người dân tự tìm cách thích nghi với tình hình. Chính quyền do Nga thiết lập nỗ lực đưa đồng ruble vào lưu hành ở Kherson, nhưng người dân vẫn sử dụng rộng rãi đồng hryvnia của Ukraine.

Những chiếc xe van gắn thiết bị kết nối wifi đã giúp khách hàng tiếp tục đăng nhập vào hệ thống ngân hàng Ukraine và rút tiền hryvnia, với mức phí giao dịch 3-5%.

Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi vào giữa tháng 7, khi Nga củng cố hiện diện và mạng lưới kiểm soát ở thành phố Kherson, chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào lãnh thổ Nga. “Mỗi phút lại có khoảng 20 chiếc xe chở các nhân viên an ninh Nga tới thành phố”, Boris kể.

Những tấm áp phích về những nhân vật lịch sử từ thế kỷ 18 của Nga tại thành phố Kherson. Ảnh: BBC.

Những tấm áp phích vẽ nhân vật lịch sử từ thế kỷ 18 của Nga tại thành phố Kherson. Ảnh: BBC.

Những chiếc xe van giúp người dân rút tiền hryvnia cũng không còn, đồng ruble ngày càng trở nên phổ biến. Lương hưu và trợ cấp đã được trả bằng ruble và các cửa hàng được yêu cầu chấp nhận đồng tiền này. Chỉ ngân hàng Nga mới được phép tiếp tục hoạt động ở Kherson, và người dân cần có hộ chiếu Nga để mở tài khoản. Người muốn xin vào làm các doanh nghiệp nhà nước cũng được yêu cầu xuất trình hộ chiếu Nga.

Theo ông Boris, đây là cách Nga gây sức ép để người Ukraine trong thành phố chuyển sang quốc tịch Nga.

Từ tháng 5, các áp phích đã xuất hiện trên nhiều tuyến phố, kêu gọi người dân đăng ký quốc tịch Nga. Các áp phích vẽ hình hộ chiếu Nga với khẩu hiệu “ổn định xã hội và an ninh”, hoặc hình người chồng hạnh phúc ôm vợ đang mang thai kèm lời kêu gọi người dân sinh thêm con.

Theo ông Boris, với đa số người Kherson, những tấm áp phích này không có nhiều tác dụng. Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý ở thành phố, ông đã nhìn thấy một số phụ nữ lớn tuổi rời khu vực bỏ phiếu với nụ cười hài lòng, cầm theo kẹo và cờ Nga trên tay.

Tại thành phố cảng Mariupol, cách Kherson khoảng 418 km về phía đông, Alex, một giáo viên về hưu, cho hay nơi ông sống giờ đây như “vùng đất hoang” sau đợt giao tranh dữ dội hồi tháng 5 giữa quân đội Nga và lực lượng phòng thủ Ukraine.

Vị trí của thành phố Kherson, Enerhodar, Melitopol và Mariupol. Đồ họa: BBC.

Vị trí của thành phố Kherson, Enerhodar, Melitopol và Mariupol ở miền nam Ukraine. Đồ họa: BBC.

“Người Nga lục soát nhiều căn hộ, tịch thu những thứ có liên quan tới Ukraine”, Alex nói. “Họ cũng đốt nhiều sách tại nhà tôi”.

Sau khi chiến dịch bao vây Mariupol kết thúc hồi cuối tháng 5, lính Nga rút dần, để chính quyền Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng điều hành thành phố.

“Mariupol đột nhiên trở thành một khu chợ lớn, nơi mọi người bán tất cả những gì có thể để kiếm sống”, Daryna, một sinh viên rời khỏi thành phố hồi cuối tháng 8, cho biết. “Đường phố nhanh chóng tràn ngập các biểu ngữ ca ngợi lực lượng Nga giải phóng Mariupol”.

Cô cho biết một số người dân ở Mariupol có cảm tình với Nga, ủng hộ chính quyền mới do Moskva bổ nhiệm.

Thành phố Mariupol nằm ở phía nam vùng Donbass và rất gần Nga về mặt địa lý, nên mối quan hệ với Nga cũng sâu sắc hơn Kherson. Các hành động phản kháng chỉ xuất hiện mờ nhạt trên mạng xã hội, hoặc qua các khẩu hiệu tiếng Ukraine trên những bức tường.

Ở Mariupol, dư âm chiến sự đã lùi xa, nhưng tại Kherson, sức nóng giao tranh ngày càng đến gần. Quân đội Nga ngày 4/10 thông báo Ukraine triển khai lực lượng với quy mô áp đảo tấn công vào tỉnh Kherson theo ba hướng và đã phá vỡ phòng tuyến của Nga ở phía bắc.

Tại Melitopol, thành phố Nga kiểm soát và nằm cách xa chiến tuyến, Toma, khoảng 30 tuổi, cho biết nhiều người phải bán vật dụng trong nhà để đắp đổi qua ngày, do không có việc làm.

Cô bày tỏ lo ngại về tình hình các trường học trong thành phố, khi nhiều giáo viên từ chối hợp tác với chính quyền mới, buộc họ phải tuyển dụng bất cứ ai sẵn sàng chấp nhận giảng dạy, ngay cả khi không đủ tiêu chuẩn.

“Người dọn vệ sinh trước đây của trường giờ trở thành giáo viên chủ nhiệm lớp”, Toma nói.

Dấu ấn của Nga ở khắp nơi, từ sách giáo khoa đến cờ Nga trong sân trường, cũng như quốc ca Nga được phát vào đầu ngày. Những phụ huynh cho con đi học sẽ được nhận khoản hỗ trợ khoảng 10.000 ruble (172 USD), nhưng chỉ khi họ xuất trình hộ chiếu và nơi cư trú của cha đứa trẻ.

Trong khi đó, ở Enerhodar, thành phố nằm giữa Kherson và Mariupol, nguy cơ thường xuyên xảy ra giao tranh buộc người dân ở thành phố này phải áp dụng các quy tắc nghiêm ngặt trong cuộc sống hàng ngày.

“Luôn cố gắng hoàn thành mọi việc, gặp bạn bè, thăm bố mẹ, mua đồ ăn, vào ban ngày”, Maksym, 38 tuổi, nói. “Ban đêm, chỉ có đàn chó hoang trên đường phố”.

Người dân đi bộ trước các tòa nhà bị hư hại nặng ở Mariupol ngày 29/9. Ảnh: AFP.

Người dân đi bộ trước các tòa nhà bị hư hại nặng ở Mariupol ngày 29/9. Ảnh: AFP.

Dọc các khu vực Nga kiểm soát ở miền nam, siêu thị bày bán những sản phẩm đắt tiền được đưa tới từ Nga, trong khi chợ trên đường phố đầy ắp thực phẩm địa phương. Rau rẻ hơn, nhưng thịt, pho mát và sữa đắt gấp đôi. “Tiền bây giờ chỉ để mua thức ăn”, Maksym cho biết.

Sau nửa năm Nga kiểm soát, phần lớn cư dân bám trụ Enerhodar là người cao tuổi. “Tất cả những người có thể rời đi đều đã rời đi, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ”, Natalya, một phụ nữ về hưu, nói.

Thành phố không có khí đốt trong 4 tháng qua, điện bị cắt thường xuyên, cuộc sống đối với bà hiện là một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, đặc biệt khi mùa đông đang đến gần.

“Chúng tôi bị cô lập trong 7 tháng, bị cắt đứt khỏi nền văn minh, hiếm khi có mạng di động”, bà Natalya nói. “Có Internet giống như một đặc ân vậy”.

Đức Trung (Theo BBC)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*