Trang tin Bloomberg dẫn lời ông Christophe Murray, Giám đốc Viện Đo lường và Đánh giá sức khỏe tại Trường ĐH Washington (Mỹ), cho biết dù xác suất gặp các vấn đề sức khỏe mạn tính do COVID-19 tương đối thấp nhưng số lượng lớn các ca bệnh – ít nhất là 670 triệu trên toàn thế giới – để lại gánh nặng đáng kể.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong 2 năm đầu của đại dịch, khoảng 6,2% bệnh nhân COVID-19 đã trải qua ít nhất 1 trong 3 nhóm triệu chứng chính của COVID-19 kéo dài vào 3 tháng sau đó. Trong số này, khoảng 15% vẫn chưa khỏi hẳn sau một năm, tương ứng với 1% tổng số bệnh nhân COVID-19.
Bức tường tưởng niệm các nạn nhân của đại dịch COVID-19 ở thủ đô London – Anh Ảnh: REUTERS
Kết quả trên được đúc kết từ dữ liệu của 1,2 triệu bệnh nhân COVID-19 tại 22 quốc gia. Hơn 200 tình trạng bệnh lý được chẩn đoán liên quan đến COVID-19 kéo dài nhưng các tác giả đã thu thập thông tin chi tiết về 3 nhóm triệu chứng phổ biến.
Cụ thể, cuộc nghiên cứu ghi nhận 3,7% bệnh nhân có các vấn đề về hô hấp; 3,2% bị mệt mỏi dai dẳng kèm đau cơ thể hoặc thay đổi tâm trạng; 2,2% có vấn đề về nhận thức.
Nguy cơ chịu đựng các triệu chứng COVID-19 kéo dài gia tăng theo mức độ nghiêm trọng của đợt nhiễm virus SARS-CoV-2 cấp tính: Trung bình 9 tháng đối với người phải nhập viện, 4 tháng với nhóm được theo dõi tại nhà. Trong số những người trên 20 tuổi mắc COVID-19 3 tháng trước đó, triệu chứng dai dẳng xảy ra ở 10,6% phụ nữ và 5,4% nam giới.
Tuy nhiên, các triệu chứng COVID-19 kéo dài không phải là mối lo hậu đại dịch duy nhất. Theo nghiên cứu, tỉ lệ bệnh tiểu đường, đau tim, đột quỵ, bệnh thận ở bệnh nhân COVID-19 cao hơn người chưa từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Đại dịch sẽ nâng nguy cơ bệnh tật lên một cấp độ mới” – ông Ziyad Al-Aly, một đồng tác giả cuộc nghiên cứu và là chuyên gia tại Trường ĐH Washington, nhận định.
Để lại một phản hồi