Hậu Giang xác định, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch Ảnh: Duy Khương |
Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao
Hậu Giang có tổng diện tích tự nhiên 162.223 ha, trong đó đất nông nghiệp là 140.457 ha, chiếm 86,58%. Với lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, nằm trong vùng khí hậu ôn hòa, Hậu Giang có điều kiện thuận lợi để thâm canh tăng năng suất và nâng cao hiệu quả canh tác cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Hiện nay, diện tích canh tác lúa của tỉnh ổn định là 77.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1,2 triệu tấn; vùng cây ăn trái nhiệt đới trên 43.000 ha, sản lượng đạt 400.000 tấn; vùng nguyên liệu mía 4.000 ha, sản lượng hàng năm đạt 400.000 tấn; vùng nguyên liệu khóm 3.000 ha, sản lượng trên 38.000 tấn; vùng nuôi trồng thủy sản trên 8.000 ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 80.000 tấn.
Các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Hậu Giang đa dạng về chủng loại. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tập trung phát triển 5 sản phẩm chủ lực: lúa, mít, chanh không hạt, cá thát lát, lươn. Bên cạnh đó, phát triển nhóm các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng như: khóm, mãng cầu xiêm, mít ruột đỏ, xoài cát Hòa Lộc, cây dược liệu… cùng các nông sản có giá trị cao để tập trung đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực và xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của địa phương.
Hiện tỉnh đang triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang (VnSAT), nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới; Dự án xây dựng mô hình thủy lợi, tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước, áp dụng công nghệ 4.0 trong phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn huyện Châu Thành…
Hậu Giang xác định, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường. Từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.
Cơ hội đầu tư rộng mở
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang tọa lạc tại thị trấn Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2012, với tổng diện tích 5.200 ha. Trong đó, Khu vực trung tâm 415 ha và Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 4.785 ha.
Mục tiêu nhằm hình thành khu trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Hình thành phân khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản phẩm chủ lực của địa phương để nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân, làm mô hình để mở rộng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho tỉnh Hậu Giang và các địa phương trong vùng.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang có vị trí thuận lợi, chỉ cách trung tâm tỉnh là TP. Vị Thanh khoảng 15 km, cách TP. Cần Thơ khoảng 70 km. Đặc biệt, tuyến Đường tỉnh 931 nối TP. Vị Thanh đến huyện Long Mỹ đã đưa vào sử dụng và tới đây tiếp tục có 2 tuyến đường cao tốc đi ngang qua, sẽ tạo điều kiện kết nối giao thông thông suốt, thuận tiện cho lưu thông, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.
Ngoài ra, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang còn nằm ở trung tâm Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, nơi có nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào, có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.
Hiện tại, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi. Tính đến nay, Khu đã thu hút được 4 nhà đầu tư thực hiện các dự án về sản xuất, chế biến nông sản, thủy sản và phân vi sinh; đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao có tổng diện tích 310 ha, với tổng mức đầu tư là 332 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hậu Giang tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kêu gọi đầu tư của Khu. Hiện nay, Khu trung tâm – Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đã và đang triển khai đầu tư 2 dự án với tổng vốn đầu tư 334 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương (104,15 tỷ đồng) và ngân sách trung ương (229,85 tỷ đồng).
Nhằm tăng cường thu hút đầu tư phát huy tiềm năng, lợi thế của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hậu Giang đang áp dụng mức ưu đãi cao nhất đối với các dự án đầu tư vào đây. Cụ thể, các dự án khi đầu tư tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi 10% thuế suất trong thời hạn 15 năm và miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Hàng hóa tạo tài sản cố định được miễn thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu; hỗ trợ kinh phí tương đương 20% tiền thuê đất, thuê mặt nước của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư cho 5 năm đầu tiên kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu với mức 50 triệu đồng/ha, nhưng không quá 10 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ 100% chi phí lập dự án đầu tư, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm, chế tạo thiết bị linh kiện, máy nông nghiệp, sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm…
Ngoài ra, nhà đầu tư, doanh nghiệp còn được hỗ trợ 100% chi phí lập dự án đầu tư, nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư như tổ chức hội nghị, hội thảo…
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, với phương châm mến khách, trọng đối tác, thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, Hậu Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế biến sâu nông sản thực phẩm; liên kết tiêu thụ nông sản…
“Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp, thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ. Đến với Hậu Giang, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững”, ông Trương Cảnh Tuyên khẳng định.
Để lại một phản hồi