Cập nhật mới đây, Norges Bank và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) – hai quỹ thành viên do Dragon Capital quản lý vừa bán ra lần lượt 500 nghìn và 200 nghìn cổ phiếu CTCP FPT (mã CK: FPT).
Sau giao dịch, nhóm quỹ Dragon Capital chỉ còn nắm giữ 54,64 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng 4,9807%. Với tỷ lệ sở hữu dưới 5%, nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại FPT.
Giao dịch trên được thực hiện trong ngày 3/10. Tính theo giá đóng cửa cùng ngày của cổ phiếu FPT là 77.000 đồng/cổ phiếu, số tiền hai quỹ thành viên Dragon Capital thu về vào khoảng gần 54 tỷ đồng.
Trong các quỹ do Dragon Capital quản lý, Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) đang nắm giữ lượng lớn nhất với hơn 10,6 triệu đơn vị, tương đương gần 0,97% vốn tại FPT. Tiếp sau là CTBC Vietnam Equity Fund với việc sở hữu gần 9,5 triệu cổ phiếu FPT, tương đương tỷ lệ sở hữu gần 0,87% vốn điều lệ.
Về kết quả hoạt động kinh doanh của FPT, 8 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, FPT lãi sau thuế 8 tháng 4.221 tỷ đồng, tăng gần 28% so với thực hiện trong cùng kỳ năm 2021.
Trong báo cáo gần đây, Agriseco Research đánh giá FPT sẽ hoàn thành vượt kế hoạch năm 2022 ở cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận duy trì ở mức cao trong 8 tháng đầu năm và sự phục hồi của thị trường Nhật Bản và thị trường trong nước ở nhóm Chính phủ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT cũng không tránh khỏi diễn biến trồi sụt kể từ giữa tháng 4 đến nay. Từ mức đỉnh 95.000 đồng/cổ phiếu đã chịu sự điều chỉnh trước trạng thái không mấy khả quan của chỉ số chính.
Đóng cửa phiên 6/10, thị giá FPT giao dịch về vùng điểm đầu năm ở mức giá 76.500 đồng/ cổ phiếu, giảm hơn 19% so với đỉnh hồi tháng 4. Song, thị giá FPT vẫn tích cực hơn thị trường chung trong khi VN-Index đã mất đi gần 30% giá trị kể từ đầu năm.
Để lại một phản hồi