OPEC+ giảm sản lượng, đẩy Tổng thống Biden tới những lựa chọn khó khăn

Nhà Trắng lay hoay tìm giải pháp

Trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới, ông Biden muốn hạ giá năng lượng, để qua đó giúp đảng Dân chủ nhận được sự ủng hộ của cử tri. Ngoài ra, nước Mỹ cũng muốn giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này có vẻ đang gặp thách thức lớn, khi mà liên minh do Ả rập Xê út – một đồng minh năng lượng lâu năm của Mỹ – đạt được đồng thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu.

Nhà Trắng đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định này của OPEC+ trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện đang phải đứng trước lựa chọn khó khăn: kiên định với chính sách nhằm lôi kéo Ả rập Xê út hay thực hiện các biện pháp trả đũa. Chỉ 3 tháng trước, ông Biden đã phải gác lại những bất đồng, thực hiện chuyến công du tới Ả rập Xê út để gặp Thái tử Mohammed bin Salman với mong muốn gia tăng sản lượng dầu.

Ông Biden chưa nói mình sẽ làm gì sau động thái này của OPEC+. Trao đổi với các phóng viên hôm 6/10, ông Biden cho biết cảm thấy “thất vọng” và đang “cân nhắc các lựa chọn thay thế”. Tuy nhiên, nhiều người Dân chủ lại không hài lòng với cách Tổng thống Biden đang áp dụng với Ả rập Xê út. Họ muốn sự cứng rắn, nhất là khi cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra.

OPEC+ giảm sản lượng, đẩy Tổng thống Biden tới những lựa chọn khó khăn - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại, Chính quyền Biden vẫn đang đánh giá toàn diện tác động từ quyết định của OPEC+. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào vấn đề trừng phạt hay không trừng phạt Ả rập Xê út, các trợ lý của ông Biden dường như dồn trọng tâm nhiều hơn vào khả năng giải phóng kho dự trữ chiến lược cũng như tìm kiếm sự hợp tác với Venezuela để thay thế.

Chính quyền cũng đang xem xét các động thái nhằm gây áp lực, buộc các công ty năng lượng của Mỹ giảm giá bán lẻ, có thể bao gồm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu. Brian Deese, cố vấn kinh tế của ông Biden, nói rằng: “Chúng tôi hiện chưa quyết định sẽ có động thái ra sao nhưng đang đánh giá mọi biện pháp”.

Nước Mỹ “tiến thoái lưỡng nan”

Quyết định của OPEC+ đến vào thời điểm rất tệ về mặt chính trị đối với ông Biden, người coi giảm giá nhiên liệu là một phần trong chiến dịch bầu cử giữa nhiệm kỳ, dự kiến diễn ra vào ngày 8/11 tới. Trong lần này, toàn bộ 435 ghế của Hạ viện và 35 trong số 100 ghế của Thượng viện sẽ được bầu lại. Ba mươi chín cuộc bầu cử thống đốc tiểu bang và vùng lãnh thổ cùng với nhiều cuộc bầu cử tiểu bang và địa phương khác cũng sẽ diễn ra.

Người Dân chủ hiện đang là phe đa số ở cả lưỡng viện Mỹ. Tuy nhiên, tại Thượng viện, số Thượng nghị sĩ của người Dân chủ và Cộng hòa là bằng nhau nhưng phía đảng Dân chủ nắm quyền quyết định (trong trường hợp số phiếu là 50-50) vì có lá phiếu của Phó Tổng thống Mỹ, người đồng thời là Chủ tịch Thượng viện.

Cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ có ý nghĩa quan trọng với phần còn lại trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden. Nếu người Dân chủ đánh mất quyền kiểm soát ở ít nhất 1 trong 2 viện, các chính sách mà Chính quyền ông Biden hậu thuẫn sẽ khó lòng trở thành hiện thực.

OPEC+ giảm sản lượng, đẩy Tổng thống Biden tới những lựa chọn khó khăn - Ảnh 2.

Người Ả rập Xê út thì cho rằng quyết định giảm sản lượng không nhằm vào Chính quyền Tổng thống Biden. Họ đã gửi tài liệu và các biểu đồ cho phía Mỹ để biện minh điều đó. Với việc giá dầu giảm xuống dưới 80 USD trong những ngày gần đây, Ả rập Xê út nói với các nhà chức trách Mỹ rằng họ lo giá dầu sẽ trượt sâu hơn xuống dưới 70 USD, thậm chí là 60 USD/thùng. Điều này làm cho ngân sách, vốn phụ thuộc vào năng lượng của họ, không bền vững.

Trong khi đó, các quan chức chính quyền Biden lo ngại cuộc khủng hoảng có thể xảy ra vào tháng 12 tới, khi mức giá trần mà Mỹ áp lên dầu mỏ Nga có hiệu lực và Liên minh châu Âu cũng cấm mua dầu thô Nga. Nhà Trắng hiện có rất ít công cụ để có thể chống lại những biến động. Dầu mỏ dự trữ chiến lược Mỹ, dù tích cực được mua vào nhưng vẫn đang ở mức thấp nhất 4 thập kỷ. Nguy cơ thiếu hụt có thể trở thành hiện thực nếu chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Trong trường hợp hạn chế xuất khẩu các loại nguyên liệu đã được tinh chế như xăng hay dầu diesel, Mỹ có thể hạ giá trong nước nhờ nguồn cung gia tăng. Tuy nhiên, điều này lại gây hại cho các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh EU, khi họ đang cố gắng loại bỏ năng lượng Nga. Điều này cũng làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.

Trong trường hợp Mỹ đẩy mạnh các hoạt động khai thác dầu nội địa thông qua việc đơn giản hóa giấy phép, thủ tục, Chính quyền có thể phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ các nhà bảo vệ môi trường.

Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt với Iran và Venezuela có thể làm gia tăng nguồn cung thêm khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày. Nó sẽ là giải pháp hoàn hảo cho việc thay thế dầu Nga. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Mỹ với Iran đang bị đình trệ và có rất ít hy vọng về một giải pháp đột phá. Triển vọng về thỏa thuận với Venezuela cũng rất mờ mịt.

Tham khảo: NYtimes

Lật tẩy toan tính các bên trong vụ OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*