Ngày 3/10, thị trường chứng khoán khép lại phiên đầu tiên của tháng 10 với việc VN-Index giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất trong gần 20 tháng kể từ ngày 8/2/2021. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng không tránh khỏi bị bán mạnh và đóng cửa giảm sàn, xuống mức 19.750 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng 22 tháng (tính theo giá điều chỉnh).
Tuy nhiên, trên thực tế lần gần nhất cổ phiếu HPG có giá 1x đã là từ giữa tháng 4/2020. Từ đó đến nay, cổ phiếu đầu ngành thép đã trải qua nhiều thăng trầm và 3 lần điều chỉnh giá do chia cổ tức (ngày 29/7/2020, 31/5/2021 và 17/6/2022) nhưng chưa từng một lần trở lại vùng giá này cho đến phiên 3/10 vừa qua.
Đến phiên giao dịch chiều ngày 4/10, cổ phiếu HPG về mức 18.850 đồng, giảm tiếp 5%. Tính tới thời điểm hiện tại, cổ phiếu này đã “bốc hơi” 55% thị giá so với đỉnh hồi cuối tháng 10 năm ngoái và đánh mất toàn bộ thành quả tăng giá trong năm 2021.
Với mức giá giảm mạnh như hiện nay đã nên xuống tiền để bắt đáy cổ phiếu Hoà Phát cũng như nhóm ngành thép?
“Với những cổ phiếu phá đáy thì thực sự áp lực. Giao dịch (trading) cổ phiếu phá đáy thì đáy chính là vùng kháng cự. Giống như một con đập nước, tích ở đấy rất lâu. Khi vỡ đập thì lúc chúng ta ngoi lên miệng đập thì bao nhiêu người ở trên đấy lại ném đất đá vào người. Rất nhiều lượng hàng kẹt trên đấy người ta chưa kịp giải quyết. Với cổ phiếu dẫn đầu là Hoà Phát bị phá đáy thì cổ phiếu Nam Kim, Hoa Sen cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Trung Du – Giám đốc Dịch vụ đầu tư & Quản lý tài sản, CTCP Chứng khoán Tân Việt đưa ra nhận định trong chương trình Khớp lệnh phát sóng trưa ngày 4/10/2022.
Ông Du cho biết thêm biến động giá trong ngắn hạn nhà đầu tư lớn nắm giữ cổ phiếu sẽ quyết định cung cầu trong ngắn hạn. Ngoài ra Hoà Phát, Nam Kim, Hoa Sen còn khác nhau về yếu tố kinh doanh.
Sếp công ty Chứng khoán Tân Việt nhấn mạnh thêm về bản chất ngành thép là nhóm ngành chu kỳ. Và hiện chu kỳ giá xuống đang tiếp diễn đối với ngành này đặc biệt trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế thế giới.
Trong thời gian vừa qua, giá phép hồi phục do Trung Quốc mở cửa trở lại. Nhu cầu tiêu thụ từ quốc gia này tăng trở lại. Tuy nhiên nếu chỉ đơn lẻ Trung Quốc thì khó kéo đà phục hồi toàn ngành bởi vì cả thế giới (Mỹ, châu Âu) nhu cầu đang giảm sút.
“Nhìn tổng thể như thế thì để ngành thép có sóng tăng mạnh là khó. Còn sóng hồi thì Du nghĩ là có sóng hồi. Nhưng những cổ phiếu vừa phá đáy xong trading khó có cơ hội lớn. Cổ phiếu phá đáy chứng tỏ yếu”, ông Nguyễn Trung Du đánh giá.
Để lại một phản hồi