Trận địa tên lửa dưới hồ của Triều Tiên thách thức Mỹ, Hàn

Hãng thông tấn trung ương Triều TiênKCNA hôm 10/10 công bố loạt ảnh về các đợt tập trận được nước này tiến hành những ngày qua, cho biết hoạt động này “mô phỏng chiến tranh thực tế” và nhằm đáp trả những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Một số bức ảnh trong đó cho thấy tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) được khai hỏa từ bệ phóng ngầm bên dưới lòng hồ trữ nước ở tây bắc Triều Tiên hôm 25/9.

“Vụ phóng mô phỏng hoạt động triển khai tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Hoạt động này nhằm xác nhận quy trình vận hành nhanh chóng và an toàn trong sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, đánh giá độ tin cậy của hệ thống và làm chủ khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ trận địa dưới nước”, thông báo của KCNA có đoạn.

Tên lửa SLBM phóng từ hồ trữ nước của Triều Tiên trong cuộc tập trận hôm 25/9. Ảnh: KCNA.

Tên lửa SLBM phóng từ hồ trữ nước của Triều Tiên trong cuộc tập trận hôm 25/9. Ảnh: KCNA.

Truyền thông Triều Tiên cho biết tên lửa nhắm tới mục tiêu cố định ở vùng biển phía đông đất nước và bám sát quỹ đạo vạch sẵn. “Độ tin cậy của đầu đạn đã được kiểm chứng, tính phù hợp của kế hoạch xây dựng trận địa dưới lòng hồ cũng được xác nhận qua cuộc tập trận thực tế này”, KCNA cho hay.

Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định có hai yếu tố đáng chú ý trong thông tin được KCNA công bố.

Tên lửa khai hỏa trong thử nghiệm ngày 25/9 được phát triển để mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Kích thước SLBM cho thấy đầu đạn của nó tương đối nhỏ, phù hợp với những dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã thu nhỏ được kích thước đầu đạn hạt nhân.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật thường triển khai trên chiến trường và gần tiền tuyến, gây tác động hạn chế hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân chiến lược có sức hủy diệt lớn, thường được sử dụng trong đòn tấn công quyết định nhằm vào mục tiêu, đô thị trọng yếu sâu trong lãnh thổ đối phương.

“Ngôn từ trong bản tin của KCNA cho thấy Triều Tiên đặt mục tiêu đưa hệ thống phóng tên lửa từ lòng hồ vào biên chế, thay vì chỉ là những bệ thử nghiệm ngắn hạn dùng trong các vụ phóng tên lửa. Những cuộc phóng tên lửa trong đợt diễn tập này nhằm thể hiện năng lực của những khí tài đã và sắp được đưa vào biên chế, chứ không phải thử nghiệm trong quá trình phát triển”, Tyler Rogoway, bình luận viên của chuyên trang quân sự Drive, nhận định.

Khả năng phóng tên lửa từ trận địa ẩn dưới lòng hồ được coi là phương án hợp lý với nỗ lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên. Trận địa này rất khó bị phát hiện, tùy thuộc vào độ sâu và thành phần của nước dưới hồ.

Lãnh thổ Triều Tiên không có quá nhiều hồ nước lớn, đủ sức triển khai trận địa tên lửa chìm, nhưng vẫn khiến đối phương dành nhiều nguồn lực để tìm kiếm và xác định nơi nào có trận địa và vị trí cụ thể của từng bệ phóng.

SLBM phóng từ hồ trữ nước của Triều Tiên trong cuộc tập trận hôm 25/9. Ảnh: KCNA.

SLBM phóng từ hồ trữ nước của Triều Tiên trong cuộc tập trận hôm 25/9. Ảnh: KCNA.

“Nếu các bệ phóng có khả năng cơ động, Triều Tiên có thể điều chuyển chúng theo những mốc thời gian không cố định. Bệ phóng rỗng hoặc mô hình nghi binh càng gây khó khăn cho nỗ lực nhận diện của đối phương, đó là nếu họ phát hiện được trận địa của Bình Nhưỡng”, Rogoway nói.

Theo ông, ngay cả khi sở hữu năng lực trinh sát và tình báo đáng kể, liên quân Mỹ – Hàn cũng phải liên tục phán đoán vị trí của trận địa tên lửa ngầm Triều Tiên. Nếu xung đột nổ ra, họ sẽ phải tấn công cùng lúc mọi địa điểm tiềm tàng để bảo đảm hủy diệt được khả năng triển khai tên lửa của đối phương.

Trận địa tên lửa dưới nước của Triều Tiên cũng đòi hỏi Mỹ, Hàn phải sử dụng các loại vũ khí tiến công đặc biệt để phá hủy, dẫn tới nguy cơ xung đột thông thường leo thang nhanh chóng, thậm chí có khả năng bùng phát thành chiến tranh hạt nhân.

“Khả năng phóng tên lửa từ dưới lòng hồ nước là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm xây dựng năng lực đáp trả hạt nhân, dựa trên nguồn lực hạn chế của họ. Điều này cũng mang tới phương án triển khai SLBM khả thi mà không cần sử dụng tàu ngầm, bỏ qua giới hạn về kích thước và chi phí chế tạo, bảo dưỡng những tàu ngầm chuyên mang SLBM”, Rogoway nhận định.

Vũ Anh (Theo Drive)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*