Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, ngày 14/11 kéo dài khoảng ba tiếng rưỡi. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021. Hàng loạt vấn đề đã được thảo luận, từ cạnh tranh Mỹ – Trung, chiến sự Ukraine, căng thẳng tại eo biển Đài Loan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Daniel Russel, cựu quan chức chính quyền tổng thống Mỹ Barack Obama phụ trách các vấn đề châu Á, nhận định cuộc họp đã đạt được hai kết quả quan trọng: Một cuộc thảo luận sâu rộng giữa lãnh đạo hai siêu cường tập trung vào tầm nhìn chiến lược của họ và thỏa thuận trao quyền cho các quan chức cấp cao đôi bên để cùng kiểm soát những khác biệt song phương, giúp bình ổn mối quan hệ.
“Việc nêu lên ‘các ưu tiên và ý định’ của mỗi lãnh đạo chính là kiểu thảo luận mà ông Tập và ông Biden cần phải có”, Russel, hiện là phó chủ tịch phụ trách ngoại giao và an ninh quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, Mỹ, nhận xét. “Điều mà họ nghe được trực tiếp từ người đồng cấp chắc chắn ít đáng sợ hơn những phân tích về viễn cảnh xấu nhất mà họ nhận được từ các quan chức dưới quyền”.
Mặt khác, việc Mỹ và Trung Quốc cắt các kênh đối thoại để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu trong những tháng gần đây đã cho thấy thế giới phải chịu hậu quả nghiêm trọng như thế nào, bình luận viên Stephen Collinson từ CNN nhận định.
Theo ông, các tuyên bố công khai từ cả Washington và Bắc Kinh dường như cho thấy đôi bên đều nhận thức được rõ ràng bản chất cuộc cạnh tranh giữa họ và cả hai đều muốn đảm bảo rằng thế đối đầu đó không leo thang vượt kiểm soát thành xung đột vũ trang.
Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới nối lại các cuộc trao đổi thường xuyên hơn, vốn đã bị đình chỉ từ hồi tháng 8, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, khiến Trung Quốc phản ứng quyết liệt. Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất, có thể bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trong phát biểu trước hội đàm tại Bali, Cả Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đều khẳng định Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách để cùng tồn tại, bất chấp những bất đồng sâu sắc giữa hai bên.
“Tôi có tin rằng ông ấy sẵn sàng thỏa hiệp trong một số vấn đề không ư?”, ông Biden nói với các phóng viên sau cuộc gặp. “Chúng tôi đã rất thẳng thắn với nhau ở những lĩnh vực mà đôi bên còn tranh cãi”.
Theo giới phân tích, cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập diễn ra khi cả hai lãnh đạo đều vừa củng cố được vị thế chính trị của mình ở trong nước.
Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức tư vấn Chatham House, trụ sở tại London, đánh giá với “mức độ thành công vừa đủ” mà đảng Dân chủ của Tổng thống Biden thu được trong cuộc bầu cử giữa kỳ, ông hiện có vị thế tốt hơn để chèo lái mối quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh.
Với Chủ tịch Tập, việc ông tái đắc cử Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng trước có thể giúp ông có thêm nhiều không gian hơn để thực thi các chính sách đối ngoại của mình.
“Tin tốt là Mỹ và Trung Quốc đã nói chuyện với nhau sau quãng thời gian băng giá”, Michael Schuman, chuyên gia về Trung Quốc tại Hội đồng Đại Tây Dương, viện nghiên cứu có trụ sở ở Washington, Mỹ, bình luận. “Cuộc gặp và triển vọng sẽ có nhiều vòng đối thoại như thế diễn ra hơn nữa mang lại hy vọng rằng cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ không biến thành xung đột”.
Tuy nhiên, chuyên gia Yu Jie từ Chatham House cảnh báo cuộc gặp ở Bali chỉ là “một bước tiến nhỏ” trên hành trình cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. “Nó sẽ không thể giải quyết bất kỳ bất đồng lớn nào mà hai bên từng có với nhau. Cuộc gặp chỉ góp phần làm chậm tốc độ xói mòn và đưa mối quan hệ trở lại quỹ đạo ổn định mà thôi”, bà lưu ý.
Theo Jeremy Mark, chuyên gia tại Trung tâm Kinh tế Địa lý thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, dù hai lãnh đạo nhất trí Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác với nhau trong các vấn đề về biến đổi khí hậu, xóa nợ và an ninh lương thực, “việc tìm kiếm tiếng nói chung sẽ không dễ dàng”.
Để đạt được tiến bộ về an ninh lương thực, “Trung Quốc sẽ phải tham gia vào nỗ lực gây sức ép lên Nga nhằm cho phép Ukraine xuất khẩu thêm ngũ cốc, vốn đang bị gián đoạn vì xung đột”, ông Mark cho hay. Đây là điều mà Trung Quốc vẫn miễn cưỡng thực hiện kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát hồi cuối tháng hai.
Trong một số lĩnh vực, giới chức hai bên thậm chí không thể tìm thấy điểm tương đồng, dù hai lãnh đạo đã trao đổi suốt ba giờ. Thông cáo mà Trung Quốc đưa ra sau cuộc gặp của hai lãnh đạo cảnh báo về nguy cơ “chiến tranh thương mại hay chiến tranh công nghệ”, trong khi phía Mỹ nhắm vào các “hoạt động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc”.
“Những khác biệt cốt lõi trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ tiếp tục nhức nhối”, chuyên gia Mark dự đoán.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, NPR)
Để lại một phản hồi