Trong những ngày tháng giao tranh ác liệt bủa vây Izyum, tỉnh Kharkov, miền đông Ukraine, nơi an toàn duy nhất mà Olena Karyaga có thể gửi hai con trai đến trú ẩn là một trại hè bên bờ Biển Đen trên lãnh thổ Nga.
Izyum lúc đó do lực lượng Nga kiểm soát và người phụ nữ 40 tuổi chỉ có thể nhận được mọi thông tin về tình hình chiến sự từ đài phát thanh tiếng Nga.
Giữa thời buổi loạn lạc và thông tin hạn chế, Karyaga không thể biết được liệu quân đội Nga còn ở lại Izyum đến bao lâu nữa. Hai cậu con trai, Kirill 12 tuổi và Timur 15 tuổi, ngày càng hoang mang.
Cô quyết định gửi con tới trại hè theo đề nghị của phía Nga. Không ít gia đình trong vùng đã làm như vậy và hai đợt trại sinh cũng vừa trở về an toàn.
“Tôi chưa bao giờ để các con đi bất kỳ đâu mà không có tôi theo cùng. Nhưng cuối cùng gia đình cũng đồng ý gửi chúng đi”, Karyaga kể lại.
Cô ký một số giấy tờ với chính quyền địa phương thân Moskva, giao phó hai đứa con trai cho người bảo hộ phía Nga đảm bảo ăn ở và trông nom.
Chuyến xe buýt chở hơn 300 trẻ rời Kharkov vào cuối tháng 8. Điểm đến là trại hè Medvezhonok, thị trấn Gelendzhik thuộc tỉnh Krasnodar Krai, phía bên kia biên giới.
Nhưng chỉ vài ngày sau, quân đội Ukraine tổ chức chiến dịch phản công thần tốc, giành lại kiểm soát gần như toàn bộ địa bàn tỉnh Kharkov, trong đó có Izyum. Gia đình Karyaga bỗng nhiên rơi vào tình cảnh ở hai bên chiến tuyến. Hai con của cô đáng ra được đưa về vào ngày 19/9 giờ đây kẹt lại trên lãnh thổ Nga.
Giống như gia đình Karyaga, ông Nikolai Yemelenskiy đã gửi cô con gái nuôi 15 tuổi, Valentina Getman, đến Medvezhonok. Ông cùng một số gia đình cùng hoàn cảnh đã mượn điện thoại vệ tinh từ quân đội Ukraine và gọi cho ban tổ chức trại hè nhờ hỗ trợ. Phía Nga cho biết vì giới tuyến đã thay đổi, nếu muốn nhận lại con, cách duy nhất là họ tự tìm đường sang đón về.
Đó là hành trình gần như không tưởng đối với Karyaga, người cả đời chưa từng đi xa khỏi Kharkov. Cô còn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sang nước khác nên cũng không có hộ chiếu.
Mykola Kuleba, giám đốc tổ chức nhân đạo Save Ukraine, cựu đặc phái viên các vấn đề trẻ em cho Văn phòng Tổng thống, cho biết trẻ em gốc Ukraine kẹt lại trên lãnh thổ Nga đồng nghĩa phải đối mặt tương lai bất định về thân phận. Moskva trong năm nay đã thông qua đạo luật tạo điều kiện cấp quốc tịch Nga cho trẻ em không có người bảo hộ, qua đó đẩy nhanh quá trình nhận con nuôi. Trẻ em Ukraine kẹt lại Nga càng lâu thì rủi ro càng lớn.
Dù Karyaga được chính quyền Ukraine hỗ trợ cấp hộ chiếu nhanh chóng, chuyến đi tìm con vẫn bị trì hoãn nhiều lần. Những thủ tục vốn cần nhiều bước xác minh trước chiến sự lại càng thêm trắc trở vì tình trạng mất điện liên tục, hệ quả từ những đợt tập kích của Nga nhắm vào hạ tầng năng lượng Ukraine. Lệnh đóng cửa biên giới Nga – Ukraine và tình trạng “đóng băng” mọi chuyến bay thương mại giữa hai nước khiến hành trình của Karyaga thêm gian nan.
Cô cùng một nhóm những người phụ nữ đồng cảnh ngộ phải di chuyển bằng ôtô trên quãng đường hơn 3.200 km, sang Ba Lan rồi vòng lên Belarus để vào lãnh thổ Nga. Sau ba ngày, họ cuối cùng cũng đến được trại hè nơi bọn trẻ đang ở. Buổi đoàn tụ, hơn hai tháng từ ngày Karyaga vẫy tay tạm biệt hai cậu con trai rời khỏi Izyum, diễn ra trong nước mắt.
Hành trình trở về của ba mẹ con cũng không mấy yên ả. Họ phải nói dối với biên phòng Ukraine rằng mình là dân tị nạn tại Ba Lan đang trên đường hồi hương, không muốn gặp phải sự cố nào ngoài ý muốn khi tiết lộ những tháng ngày trên lãnh thổ “phe địch”.
Những gia đình gửi con đến Nga lánh nạn còn phải chịu thêm kỳ thị từ cộng đồng. Andriy Hrunin, một người dân thành phố Izyum, nói ông sẽ không bao giờ cho cô con gái 8 tuổi của mình sang Nga, gọi đó là “tấm vé một chiều”.
Trước khi tìm lại được con gái, Yemelenskiy cũng nhờ quân đội Ukraine hỗ trợ, nhưng chỉ nhận lại câu hỏi: “Vì sao ông gửi con cho kẻ thù”.
Phó thị trưởng Izyum cho rằng những trại hè mà Nga tổ chức cho người dân địa phương thực chất là một phần trong chiến lược tuyên truyền. Kuleba, giám đốc tổ chức nhân đạo Save Ukraine, cáo buộc Nga tìm cách “cải tạo” trẻ em Ukraine và tạo ra một thế hệ quay lưng lại với đất nước.
Các quan chức Nga thường đến thăm những trại hè này để vẽ nên bức tranh giải cứu trẻ em khỏi chiến sự, theo Matsokin.
Nhưng bọn trẻ nhà Karyaga và Yemelenskiy không quan tâm đến những khẩu hiệu chính trị. Với chúng, trại hè bên vịnh Gelendzhik là nơi được quên đi chiến sự, được vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa, học những điệu nhảy mới và ra bờ biển mỗi ngày. Chỉ đến khi nghe tin quân đội chính phủ đã giành lại Izyum, bọn trẻ mới bắt đầu hoang mang nghĩ đến chuyện không được về nhà hay bị đưa vào cô nhi viện.
Hai cậu con trai nhà Karyaga kể rằng nhân viên trong trại hè không nói gì về chiến tranh. Timur nói trại hè còn cấp điện thoại để trại sinh liên lạc với gia đình và xem tin tức, nhưng phần lớn trẻ em đều muốn “tạm quên đi những gì đang diễn ra”.
Cậu bé thừa nhận có đôi lúc đắn đo chuyện trở về nhà. Suy nghĩ về chiến tranh khiến Timur hoảng sợ. Còn với Karyaga, cô cho rằng nếu phải lựa chọn lại, cô cũng có thể vẫn gửi các con tới Nga trong những ngày tháng 8, nếu như đó là cách duy nhất bảo vệ được chúng.
Thanh Danh (Theo WSJ)
Để lại một phản hồi