Ít nhất 1 tỷ USD “bốc hơi” khỏi sàn tiền ảo FTX

Bằng thủ thuật
Bằng thủ thuật “cửa sau”, nhà sáng lập FTX đã tuồn hàng tỷ USD tiền của khách hàng về công ty riêng. Ảnh: AFP

FTX có trụ sở tại Bahamas (một quốc gia ở Vùng Caribe) đã đệ đơn xin phá sản vào tuần trước sau khi sàn giao dịch đối thủ Binance từ chối thỏa thuận mua lại. Cụ thể, FTX thông báo hôm 11/11 rằng công ty này đã nộp đơn phá sản tại Mỹ và Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, đã từ chức, theo hãng tin AFP.

Liên quan đến nguồn tiền của khách hàng bị bốc hơi, hai nguồn tin của Reuters cho hay nhà sáng lập Sam Bankman-Fried đã bí mật chuyển 10 tỷ USD tiền của khách hàng từ FTX sang Công ty thương mại Alameda Research của riêng mình.

Hai nguồn tin cũng cho biết phần lớn số tiền trên đã biến mất. Trong đó, một nguồn tin nói rằng số tiền còn thiếu của khách hàng là khoảng 1,7 tỷ USD, nguồn tin còn lại cho hay khoản thiếu hụt là từ 1 – 2 tỷ USD.

Được biết, FTX trước đó đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền của khách hàng đến Công ty Alameda, nhưng đây là lần đầu tiên vụ việc tiền “bốc hơi” bị phát hiện.

Lỗ hổng tài chính đã bị khui ra từ hồ sơ mà nhà sáng lập Bankman-Fried cho các quản lý của công ty xem vào tuần trước, hai nguồn tin của Reuters cho hay. Cả hai nguồn tin đều giữ các vị trí quan trọng tại FTX, họ cho biết đã được lãnh đạo hàng đầu của FTX thông báo tóm tắt về tình hình tài chính của công ty.

Tuy nhiên, trong tin nhắn gửi Reuters, ông Bankman-Fried cho biết ông “không đồng ý với mô hình hóa” chuyển nhượng 10 tỷ USD. “Chúng tôi không bí mật chuyển tiền”, ông Bankman-Fried viết. Vị này cho biết thêm: “Chúng tôi đã dán nhãn nội bộ gây nhầm lẫn và dẫn tới hiểu lầm”.

Cả FTX và Alameda đều không đưa ra bình luận về vấn đề trên.

Trong dòng tweet vào ngày 11/11, Bankman-Fried cho biết ông đang “ghép nối” những gì đã xảy ra tại FTX. “Tôi đã bị sốc khi thấy mọi thứ được làm sáng tỏ theo cách mà họ đã làm vào đầu tuần này”, ông Bankman-Fried viết.

Trước đó, khách hàng của FTX đã ồ ạt rút tiền vào ngày 6/11 sau khi Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành sàn giao dịch tiền ảo khổng lồ Binance, cho biết Binance sẽ bán toàn bộ cổ phần của mình tại FTX với trị giá ít nhất 580 triệu USD.

Sau đó, ông Bankman-Fried đã tổ chức một cuộc họp với một số quản lý cấp cao tại thủ đô Nassau của Bahamas để tính toán nguồn tiền cần có để lấp đầy các khoản thiếu hụt của FTX, hai nguồn tin của Reuters cho biết. Ông Bankman-Fried cũng đã xác nhận với Reuters về cuộc họp này.

Bankman-Fried đã cho người đứng đầu các bộ phận quản lý và pháp lý của công ty xem một số bảng kê, trong đó hé lộ FTX đã chuyển khoảng 10 tỷ USD tiền của khách hàng sang Alameda. Hai nguồn tin cũng cho biết các bảng kê nên rõ số tiền mà FTX đã cho Alameda vay và số tiền đó được sử dụng vào việc gì.

Tuy nhiên, các bảng kê cho thấy khoảng 1 – 2 tỷ USD trong nguồn tiền trên không được tính vào tài sản của Alameda, nhưng cũng không nêu rõ đã được chuyển đi đâu.

Trong một cuộc kiểm tra sau đó, hai bộ phận pháp lý và tài chính của FTX nắm được rằng Bankman-Fried đã dùng đến công cụ “cửa hậu” (crypto backdoor) trong hệ thống lưu giữ sổ sách của FTX. “Cửa hậu” là phương pháp giúp vượt qua thủ tục chứng thực người dùng thông thường hoặc để giữ đường truy nhập từ xa tới một máy tính, cố gắng không bị phát hiện bởi việc giám sát thông thường.

Bằng “cửa hậu”, Bankman-Fried đã thực hiện các lệnh có thể làm thay đổi hồ sơ tài chính của FTX mà không cần thông báo cho người khác, kể cả kiểm toán viên. Nhờ đó, việc chuyển khoảng 10 tỷ USD từ FTX cho Alameda đã chót lọt mà không phải tuân thủ thực hiện nội bộ hoặc xảy ra báo động đỏ về kế toán tại FTX.

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đang điều tra việc FTX xử lý các khoản tiền của khách hàng, cũng như các hoạt động cho vay tiền ảo của sàn này. Tương tự, Bộ Tư pháp và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) của Mỹ cũng đang điều tra vụ việc, một nguồn tin nói với Reuters.

Vụ phá sản của FTX là cú “quay xe” bất ngờ của Bankman-Fried. Người đàn ông 30 tuổi này đã thành lập FTX vào năm 2019 và biến nó trở thành một trong những sàn giao dịch tiền ảo lớn nhất thế giới, với lượng tài sản cá nhân tích lũy ước tính gần 17 tỷ USD. Vào tháng 1/2022, FTX từng được các nhà đầu tư, trong đó có SoftBank và BlackRock, định giá 32 tỷ USD.

Sự sụp đổ của FTX làm rúng động giới đầu tư tiền ảo thế giới, kéo giá trị các đồng tiền ảo lớn giảm sâu.

Cuối tuần trước, FTX tuyên bố họ đã chuyển giao quyền kiểm soát công ty cho John J. Ray III, một chuyên gia tái cấu trúc, người từng có kinh nghiệm thực hiện thanh lý Enron Corp – một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*