Kinh tế Cà Mau khởi sắc, phục hồi tăng trưởng

Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản, nông nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là du lịch. Trong ảnh: Mũi Cà Mau, điểm tham quan thu hút đông du khách
Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản, nông nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là du lịch. Trong ảnh: Mũi Cà Mau, điểm tham quan thu hút đông du khách

Thủy sản phục hồi ấn tượng

Cà Mau là nơi duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 250 km. Đây cũng là một trong 4 địa phương có ngư trường khai thác thủy sản trọng điểm, với hơn 4.500 tàu cá. Vùng biển Cà Mau còn có 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc).

Trong đó, cụm đảo Hòn Khoai nằm gần các tuyến hàng hải quốc tế, có thể thu hút đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp nước sâu quy mô lớn, gắn với tuyến Hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Ngoài lợi thế về địa lý, vùng biển Cà Mau còn có tiềm năng lớn về dầu khí; du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái ven biển và tiềm năng phát triển năng lượng sạch…

Tỉnh có hai hệ sinh thái đan xen với miệt rừng ngập mặn đặc trưng phục vụ nuôi trồng thủy sản và miệt rừng tràm ngập ngọt gắn với nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp, thủy sản, làm bệ đỡ phát triển kinh tế địa phương.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cà Mau cho biết, kinh tế thủy sản là thế mạnh của tỉnh. Cà Mau đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm, đây cũng là mặt hàng tạo ra giá trị lớn nhất. Diện tích nuôi tôm chiếm gần 40% và sản lượng chiếm khoảng 22% cả nước. Mục tiêu đến cuối năm 2022, Cà Mau ổn định diện tích nuôi tôm là 280.000 ha, sản lượng tôm nuôi đạt trên 220.000 tấn.

Trong 3 quý đầu năm 2022, Cà Mau thu hút thêm 8 dự án, tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng. Hiện tỉnh có 432 dự án đang hoạt động với tổng vốn gần 141.000 tỷ đồng (trong đó có 9 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 152,2 triệu USD).

Có 517 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên 9.500 tỷ đồng, bình quân 18,4 tỷ đồng/doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ có 300 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn 3.754 tỷ đồng, bình quân 10,1 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Theo thông tin của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh, hiện các đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đến tháng 12/2022, giá xuất khẩu ổn định và tiếp tục đàm phán, thỏa thuận ký kết cho giai đoạn tiếp theo. Hoạt động xuất khẩu tôm hiện tại cũng như những tháng tới có xu hướng tăng, không có trường hợp bị ứ đọng hàng hóa và có yếu tố thuận lợi khi thực hiện các thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Năm 2022, lần thứ 3 liên tiếp, Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD, bất chấp biến động thị trường do ảnh hưởng bởi Covid-19. Hiện Cà Mau đã xây dựng được nhiều vùng nuôi đạt chứng nhận hữu cơ và các chứng nhận quốc tế theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu tổ chức Festival tôm tại Cà Mau, dự kiến trong năm 2023. Ðây là cơ hội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm thủy sản của địa phương; các quy trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm góp phần kết nối giao thương trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Cà Mau cũng hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR, chip NFC, công nghệ blockchain…) truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản… Phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử và hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, giúp nâng cao sức cạnh tranh.

Nhờ khai thác và tận dụng tốt lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, Cà Mau đã gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào các thị trường Mỹ, EU, Canada, Australia, Trung Quốc. Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, loại bỏ dần thuế nhập khẩu cho nhiều loại hàng hóa Việt Nam, trong đó có thủy sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Cà Mau đã tận dụng tốt lợi thế này để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu trong thời gian qua.

Kích cầu du lịch, nâng tầm khởi nghiệp

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Cà Mau, trong 3 tháng cuối năm, toàn ngành sẽ tập trung nâng chất lượng dịch vụ du lịch, tổ chức nhiều hoạt động kích cầu thu hút khách, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và nhân các sự kiện trong Chương trình “Cà Mau – Điểm đến 2022” như Ngày hội cua Cà Mau sắp diễn ra. Chuẩn bị điều kiện tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, các giải thể thao thành tích cao của khu vực và toàn quốc.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VHTT&DL Cà Mau nhấn mạnh, ngành sẽ tăng cường quản lý các tuyến, điểm du lịch và khai thác có hiệu quả các công trình trong Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, truyền thông thu hút du khách. Xây dựng mới các sản phẩm du lịch mang sắc thái, đặc trưng của Cà Mau; đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cấp và xây dựng mới các tour du lịch sinh thái.

Cũng theo Sở VHTT&DL, du lịch Cà Mau đã phục hồi và phát triển khả quan, trong đó điểm nhấn là tổ chức thành công chuỗi các hoạt động trong chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2022”. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 10/2022, tổng lượng khách đến tỉnh đạt hơn 1,3 triệu lượt, tăng 105% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 14,36% so với kế hoạch năm. Hiện ngành VHTT&DL đang chuẩn bị chu đáo cho Ngày hội cua Cà Mau lần I-2022, đánh dấu bước chuyển biến, thích nghi và phục hồi sau Covid-19 của du lịch Cà Mau.

Cùng với du lịch thì hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng là lĩnh vực trọng tâm được tỉnh chú trọng nhằm tạo đà cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Cuối tháng 10 vừa qua, sau 2 ngày tranh tài sôi nổi giữa các thí sinh, Ban giám khảo đã chọn ra 3 dự án xuất sắc trong Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau 2022”.

Theo đó, giải nhất thuộc về Dự án ứng dụng công nghệ điện phân trực tiếp cho xử lý nước nuôi tôm siêu thâm canh của thí sinh Huỳnh Công Tấn; giải nhì là Dự án phát triển nghề đan móc và thêu các sản phẩm thủ công; giải 3 là Dự án kết nối cộng đồng nghề đan lát, thúc đẩy du lịch bản địa.

Ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ghi nhận và đánh giá cao những ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Theo ông Sử, Cà Mau là vùng đất có nhiều tiềm năng cũng như điều kiện để phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, địa phương cũng gặp một số khó khăn như nằm xa trung tâm các thành phố lớn, hạ tầng còn nhiều hạn chế nên số lượng và tỷ lệ doanh nghiệp trên tổng dân số còn rất thấp. Các ngành chức năng Cà Mau xác định sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển.

“Thực tế cho thấy, những nơi còn nhiều khó khăn là nơi có nhiều trăn trở, ước mơ và tham vọng. Chỉ cần có cơ hội là những trăn trở, ước mơ đó sẽ thành ý tưởng đổi mới sáng tạo để khởi nghiệp. Cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa để mọi người dân đều có cơ hội khởi nghiệp sáng tạo và góp phần xây dựng, phát triển quê hương, đất nước”, ông Lê Văn Sử nhấn mạnh.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt vừa có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TP. Cà Mau, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những tháng còn lại của năm 2022 và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo nội dung Chỉ thị số 19/CT- TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2022.

Theo đó, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, TP. Cà Mau và các chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã được UBND tỉnh phân công, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; thực hiện nghiêm các nội dung có liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19/CT- TTg ngày 17/10/2022. Trong đó, chủ đầu tư nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án, tránh tình trạng dự án đã được phê duyệt nhưng phát sinh điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Chủ đầu tư các dự án dự kiến đủ điều kiện để giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 phải chủ động chuẩn bị thật tốt các thủ tục, điều kiện cần thiết ngay trong năm 2022 để sẵn sàng triển khai dự án ngay sau khi được giao, tránh tình trạng sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai công việc, dẫn đến dự án không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét nguyên nhân, trách nhiệm của từng chủ đầu tư cụ thể đối với trường hợp các dự án đến hết thời gian giải ngân kế hoạch vốn đều tư công năm 2022, nhưng không giải ngân hết và không được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023, dẫn đến bị hủy kế hoạch vốn.

Đến nay, Cà Mau đã giải ngân vốn đầu tư công khoảng 58% kế hoạch, HĐND tỉnh đã quyết nghị bổ sung danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; bổ sung danh mục, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và Kế hoạch đầu tư công năm 2021 chuyển sang năm 2022 (nguồn vốn ngân sách tỉnh).

Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường dầu tư, kinh doanh, theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, chủ động phân tích đánh giá, dự báo đối với các ngành, lĩnh vực phụ trách để sớm có giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản, liên kết chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho người dân, nhất là phát triển mạnh công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng mô hình nông nghiệp tiên tiến, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ, đưa vào vận hành các dự án, chương trình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung quyết liệt thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ dự án, quản lý chất lượng các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, nhằm tạo đà tăng trưởng và động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*