Trong chuyến thăm Moskva hồi tuần trước, lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố những gì chính phủ nước này đang làm, kể cả trong quan hệ với Nga, đều vì “lợi ích quốc gia”.
Sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục mua dầu Nga vì điều đó có lợi cho quốc gia, đồng thời thêm rằng hai nước đang từng bước mở rộng quan hệ thương mại.
Ấn Độ đã trở thành nước mua dầu lớn thứ hai của Nga, sau Trung Quốc. Nga đã bán hơn 935.000 thùng dầu thô cho Ấn Độ mỗi ngày trong tháng 10, mức cao nhất từ trước đến nay. Hồi tháng 12/2021, lượng dầu Ấn Độ nhập từ Nga là 36.255 thùng mỗi ngày.
Khi được hỏi về kế hoạch G7 đề xuất nhằm áp giá trần đối với dầu Nga, Ngoại trưởng Jaishankar cho hay với tư cách nước tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt lớn thứ ba thế giới và là nước có mức thu nhập không cao, Ấn Độ phải ưu tiên lợi ích của chính mình.
Các nhà phân tích nhận định việc Ngoại trưởng Jaishankar liên tục đề cập đến vấn đề “lợi ích” trong quan hệ với Nga xuất phát từ nhu cầu ngăn chặn bất ổn kinh tế của chính Ấn Độ cũng như mong muốn tạo ưu thế trước Trung Quốc.
“Giải pháp họ theo đuổi là phát triển kinh tế đến mức Trung Quốc cảm thấy không còn có thể đe dọa Ấn Độ nữa”, Rafiq Dossani, giám đốc Trung tâm RAND về Chính sách châu Á – Thái Bình Dương, trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Theo Dossani, nếu xa rời Nga và từ bỏ nguồn dầu thô giá rẻ của nước này, Ấn Độ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và phải chi “số tiền nhiều hơn cho quốc phòng” thay vì đầu tư phát triển. “Điều đó thật vô nghĩa”, ông nói.
Don McLain Gill, giám đốc phụ trách khu vực Nam và Đông Nam Á tại Hiệp hội Nghiên cứu Philippines – Trung Đông, cho hay hồi năm 2019, Ấn Độ từng giảm nhập khẩu dầu Iran theo yêu cầu của Mỹ, nhưng hiện tại họ không thể làm điều tương tự.
“Ấn Độ đã nhiều lần điều chỉnh chính sách để phù hợp với lợi ích của Mỹ”, ông nói. “Nhưng đây là thời điểm có những biến động lớn về địa chính trị và ổn định kinh tế”.
Sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Jaishankar và người đồng cấp Lavrov, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã nói rằng “Nga không phải bên cung cấp hỗ trợ an ninh đáng tin cậy trong bất kỳ lĩnh vực nào”.
Một số nhà phân tích cho rằng thái độ kiên nhẫn của Mỹ có thể bị giảm sút khi Ấn Độ tiếp tục mua dầu từ Nga và rằng Ấn Độ đang “đi trên dây” với hành động này, song theo Dossani, Washington hiện không còn lựa chọn nào khác ngoài củng cố quan hệ với New Delhi.
“Nếu xa lánh Ấn Độ, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ mất đi một chìa khóa quan trọng ở phía đông Eo biển Malacca”, chuyên gia Dossani từ Trung tâm RAND bình luận, đề cập đến chiến lược mà Washington đang theo đuổi nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Claudia Chia, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho hay nếu muốn New Delhi xa rời Moskva, Washington sẽ phải tăng cường hơn nữa các biện pháp như thúc đẩy hợp tác quốc phòng và kinh tế, đồng thời thắt chặt mối quan hệ bên trong Nhóm Bộ Tứ, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi cuối tuần trước thậm chí còn tuyên bố ở New Delhi rằng Washington sẽ ưu tiên cách tiếp cận “kết bạn”, tập trung hội nhập kinh tế sâu rộng với các đối tác thương mại đáng tin cậy như Ấn Độ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, tránh những rủi ro địa chính trị và an ninh.
Trước và trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Jaishankar tới Nga, nhiều chuyên gia đánh giá Ấn Độ có thể đóng vai trò hòa giải cho xung đột đang căng thẳng ở Ukraine.
Hồi tháng 9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan.
Cuối tuần qua, Ngoại trưởng Jaishankar cũng gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Campuchia, nơi hai bên đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan đến cuộc xung đột, cũng như thỏa thuận Nga – Ukraine về xuất khẩu ngũ cốc và vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường.
Chuyên gia Claudia Chia từ NUS nhận định dù Ấn Độ có thể đảm nhận vai trò trung gian hòa giải trong xung đột Ukraine để nâng cao vị thế quốc tế của mình, đó không phải lựa chọn duy nhất đối với họ.
“Cũng đã có những cuộc đàm phán về việc phối hợp nỗ lực hòa giải giữa Ấn Độ và Pháp, nhưng chúng tôi không thấy có nhiều tiến triển”, bà nói.
Tháng trước, Đại sứ Pháp tại Ấn Độ Emmanuel Lenain cho hay lãnh đạo hai nước đang nỗ lực thuyết phục Moskva trở lại bàn đàm phán.
“Nhưng sau đó, Ukraine ngày càng tỏ ra không sẵn sàng nói chuyện với Nga”, Chia nhận xét, thêm rằng sẽ phải mất một thời gian nữa trước khi bất kỳ quốc gia nào có thể mở các kênh liên lạc giữa Moskva và Kiev.
Theo Gill, Ấn Độ không chịu áp lực phải đứng về bên nào trong cuộc xung đột, nên họ hoàn toàn phù hợp với vai trò trung gian hòa giải. Tuy nhiên, New Delhi sẽ không đảm nhận vai trò này nếu không có lời mời từ tất cả các bên liên quan.
Dù vậy, Dossani từ RAND đánh giá nếu Ấn Độ đứng ra đảm nhận vai trò trung gian hòa giải, họ sẽ nhanh chóng đối mặt với thách thức lớn khi phải giành được sự tin tưởng của cả hai bên.
“Ukraine sẽ khó tin tưởng Ấn Độ nếu New Delhi không có được hậu thuẫn của Mỹ, nhà tài trợ chính về tài chính và quân sự cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga”, Dossani nói, lưu ý rằng hiện không có bằng chứng nào cho thấy Mỹ muốn Ấn Độ đảm nhận vai trò trung gian hòa giải cho chiến sự Ukraine.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Để lại một phản hồi