Nhà đầu tư châu Á tìm kiếm cơ hội M&A tại Việt Nam

Pharmacity đã gia nhập SK Group, với mục tiêu thâm nhập thị trường bán lẻ và chăm sóc sức khỏe đang mở rộng nhanh chóng của Đông Nam Á.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) cho biết, các công ty Nhật Bản vẫn đang nỗ lực ký kết thỏa thuận chiến lược với các công ty Việt Nam.

Trong tháng 11/2022, Việt Nam liên tục ghi nhận các thương vụ M&A từ nhà đầu tư Nhật Bản. Mới đây nhất, Quỹ Cool Japan Fund công bố sẽ rót khoảng 10 triệu USD vào 4P Holdings – công ty sở hữu và vận hành chuỗi nhà hàng pizza 4P. Đây là một phần trong chiến lược của Quỹ nhằm khai thác cơ hội của thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam.

Trong khi đó, nhà cung cấp khí Nhật Bản Toho Gas đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược với Công ty Thương mại dịch vụ kỹ thuật Phúc Sang Minh để mua 40% cổ phần của nhà cung cấp khí Việt Nam.

Tương tự, Sumitomo Mitsui Banking Corporation sẽ đầu tư 240 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Mạng lưới thông minh (SmartNet).

“Việt Nam là điểm đến ưa thích nhất của Nhật Bản nhờ sức bật kinh tế với tiềm năng tăng trưởng cao, trên nền tảng của mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ được kỷ niệm 50 năm vào năm 2023. Việt Nam cũng đang chuyển dịch từ sản xuất sang thị trường tiêu dùng. Những yếu tố thuận lợi này sẽ thu hút thêm công ty Nhật Bản vào Việt Nam”, ông Yoshida chia sẻ.

Pharmacity – một trong những chuỗi nhà thuốc lớn nhất tại Việt Nam, đã gia nhập SK Group, với mục tiêu thâm nhập thị trường bán lẻ và chăm sóc sức khỏe đang mở rộng nhanh chóng của Đông Nam Á. Một thỏa thuận như vậy có thể sẽ củng cố kế hoạch mở rộng sang các khu vực khác trong nước của Pharmacity. Mặc dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng đây được cho là một trong những thương vụ mang tính bước ngoặt của năm.

Trong khi đó, công ty thành viên của SK Group là SK E&S đã ký hợp đồng mua lại 99,99% cổ phần của Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo mới số 1 (New Renewable Energy Joint Stock Company No.1) – công ty con của Công ty TNHH Điện Gia Lai với giá trị thương vụ khoảng 37,5 triệu USD.

Thực tế, hàng tỷ USD vốn đầu tư của các tập đoàn tài chính Hàn Quốc đổ vào Việt Nam cho thấy niềm tin của nhà đầu tư Hàn Quốc vào các đối tác Việt Nam. Hana Financial Group đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với BIDV. Ngay cả trong thời điểm bùng nổ của đại dịch, Việt Nam cũng được chứng kiến thương vụ đầu tư chiến lược của Tập đoàn Tài chính Shinhan vào Tiki – công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (5/2022).

Bà Hạnh Nguyễn, luật sư của Bae, Kim & Lee Vietnam chia sẻ: “Trong 10 tháng đầu năm 2022, 370 triệu USD đã được rót vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trong thời gian tới, ngày càng nhiều tập đoàn Hàn Quốc được dự đoán sẽ gia nhập và tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam thông qua M&A”.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư Singapore cũng rất tích cực trong hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm nay, như thương vụ trị giá 50 triệu USD giữa đơn vị cung cấp giải pháp thương mại điện tử Việt Nam OnPoint và một một quỹ đầu tư thành viên của Temasek Holdings.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư mạo hiểm của Singapore đã tăng cường sự hiện diện tại thị trường Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong nước. Mới đây, start-up xe máy điện Dat Bike của Việt Nam công bố đã huy động thành công thêm 8 triệu USD trong vòng gọi vốn dẫn đầu bởi Quỹ Jungle Ventures có trụ sở tại Singapore. GSR Ventures và Delivery Hero Ventures cũng tham gia vào vòng này, cùng với Wavemaker Partners và Innoven Capital.

Tháng 8/2022, Jungle Ventures cũng đã dẫn đầu khoản đầu tư 8,5 triệu USD vào nền tảng bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe địa phương Medici, trong vòng cấp vốn Series A.

Trong khi đó, Golden Gate Ventures, một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, đã thành lập 2 văn phòng tại Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Một quỹ đầu tư mạo hiểm khác là Quest Ventures cũng đang hợp tác với Enterprise Singapore để thực hiện Chương trình Tăng tốc GIA nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ Singapore và các doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm nhập thị trường Việt Nam.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*