Nơi sản xuất một triệu quả bóng lưu niệm World Cup 2022

Phiên bản lưu niệm của Al Rihla, bóng thi đấu chính thức của World Cup 2022, đang được sản xuất tại công ty PT Global Way ở Madiun, tỉnh Đông Java, Indonesia.

Tỉnh Đông Java là trung tâm thương mại, đóng góp hơn 15% GDP của Indonesia, nổi tiếng với các ngành công nghiệp nặng như đóng tàu, sản xuất xi măng, giấy. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm dấy lên nỗi lo suy thoái kinh tế và nguy cơ cắt giảm lao động diện rộng.

Năm 2019, PT Global Way bắt đầu mở nhà máy sản xuất bóng Al Rihla tại Đông Java và tuyển 2.000 nhân công. Theo Ahmad Dawami, quan chức tại Madiun, dự án này đã góp phần giúp kinh tế khu vực tăng trưởng 3,34% trong giai đoạn 2020 – 2021.

Dawami cho hay khoảng một triệu quả bóng lưu niệm đã được nhà máy của PT Global Way sản xuất và được xuất sang Brazil, Anh, Mỹ, Đức, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) nhân dịp World Cup 2022 diễn ra tại Qatar.

Nhà máy đã cung cấp việc làm cho hàng nghìn lao động trẻ, trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và chiến sự Ukraine. Bộ Ngoại giao Indonesia nói đây là cơ hội để người dân Đông Java trở thành “một phần của nền kinh tế thế giới”.

“Thật may mắn, nhà máy trở thành biểu tượng phục hồi kinh tế hậu đại dịch”, ông Dawami nói. “Nhà máy và World Cup đã đem lại nguồn việc làm ổn định, như thể thổi một luồng sinh khí mới lên khu vực này”.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất bóng World Cup ở Madiun, tỉnh Đông Java, Indonesia. Ảnh: Tribunnews.

Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất bóng lưu niệm World Cup ở Madiun, tỉnh Đông Java, Indonesia. Ảnh: Tribunnews.

Trái bóng Al Rihla, có nghĩa là “cuộc hành trình” trong tiếng Arab, là thành quả công nghệ của Adidas. Hãng thể thao Đức đã cung cấp bóng cho World Cup kể từ năm 1970. Al Rihla là quả bóng chính thức thứ 14 của giải đấu này.

Theo FIFA, đây là quả bóng nhanh nhất, chính xác nhất. Trong ba kỳ World Cup vừa qua, Adidas đã tìm cách cân bằng số lượng miếng ghép, đường may và kết cấu bề mặt phù hợp nhất cho quả bóng.

Cả quả bóng Brazuca dùng cho World Cup 2014 ở Brazil và Telstar 18 cho sự kiện diễn ra ở Nga năm 2018 đều có 6 miếng ghép với hình dáng khác thường. Các cầu thủ thích Brazuca và Telstar 18, nhưng một vài người phàn nàn về xu hướng dễ rơi của Telstar 18.

Trong khi đó, Al Rihla có tới 20 mảnh ghép, sử dụng mực in và keo dán gốc nước, thân thiện với môi trường. 8 mảnh trong số đó là hình tam giác nhỏ với các cạnh có độ ráp như nhau, 12 mảnh còn lại lớn hơn và có hình dáng giống kem ốc quế. Để cân bằng với độ nhẵn, đường nối của Al Rihla rộng và sâu hơn, khắc phục khiếm khuyết ở quả bóng Jabulani năm 2010 quá trơn nhẵn và có hệ số cản cao.

“Hành trình đến với thế giới của Al Rihla sẽ đại diện cho tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc của giải đấu, đồng thời mang đến cho người hâm mộ cơ hội hòa mình vào sự kiện theo cách riêng”, Jean-François Pathy, giám đốc tiếp thị FIFA, nói.

Quả bóng Al Rihla tại World Cup 2022 ở Qatar. Ảnh:Korean HeraldI.

Quả bóng Al Rihla tại World Cup 2022 ở Qatar. Ảnh:Korean HeraldI.

Ilham, 23 tuổi, giống nhiều người Indonesia khác, làm việc tại nhà máy trong 5 tháng qua, sau khi chật vật tìm việc ở những nơi khác. Anh bày tỏ niềm yêu thích công việc, cảm thấy mãn nguyện khi tự tay làm ra những quả bóng sử dụng cho sự kiện nổi tiếng như vậy.

“Tôi thích xem và chơi bóng đá”, Ilham nói. “Cảm ơn Thánh Allah, tôi rất vui với công việc và kết thêm nhiều bạn mới ở nhà máy. Thật tốt khi cộng đồng địa phương có cơ hội làm việc như vậy”.

Chính phủ Indonesia đã nỗ lực để quảng bá các sản phẩm quốc nội ra thế giới, cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. World Cup được cho là “sân khấu quan trọng” để quốc gia này giới thiệu các sản phẩm của mình.

Ignatius Indro, lãnh đạo Hiệp hội Cổ động viên Đội tuyển Quốc gia Indonesia, cũng tỏ niềm tự hào khi sản phẩm của đất nước được toàn thế giới công nhận bởi chất lượng cao.

“Là những người ủng hộ đội tuyển, chúng tôi tự hào về quả bóng Al Rihla. Mặc dù các cầu thủ không thể tham dự World Cup, sản phẩm địa phương của chúng tôi vẫn có thể vươn ra toàn cầu”, ông Indro nói.

Nhưng ông cũng cho rằng đội tuyển Indonesia cần theo kịp thành công trong xuất khẩu đồ thể thao của nước nhà, để tham dự kỳ World Cup tiếp theo. Đội tuyển Indonesia chưa từng vượt qua được vòng loại ở châu Á để tranh suất dự World Cup kể từ khi giành độc lập. Lần duy nhất họ tham dự là vào năm 1938, dưới ngọn cờ Đông Ấn Hà Lan.

“Chúng tôi, những người hâm mộ, đều hy vọng thành công này có thể thúc đẩy thành tích của đội tuyển trong tương lai”, ông Indro cho biết.

Đức Trung (Theo Al Jazeera, Interesting Engineering)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*