Cử tri Mỹ ngày 8/11 bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ để bầu lại toàn bộ Hạ viện và 1/3 Thượng viện, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã bước sang tháng thứ 9. Giới quan sát cho rằng cuộc bầu cử này sẽ góp phần định đoạt nhiều vấn đề quan trọng của nước Mỹ, trong đó có chính sách đối với Ukraine.
Trong hơn 8 tháng qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rất thuận lợi trong các chính sách hỗ trợ cho Ukraine, trong bối cảnh đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện quốc hội và phe Cộng hòa cũng có sự đồng thuận hiếm hoi trong vấn đề này.
Mỹ đang là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, cả về kinh tế, quân sự và ngoại giao. Theo công bố từ Lầu Năm Góc hôm 4/11, Washington đã cam kết hỗ trợ an ninh hơn 18,9 tỷ USD cho Kiev kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021, trong đó hơn 18,2 tỷ USD là từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày 24/2.
Tuy nhiên, sự ủng hộ mà Mỹ dành cho Ukraine đang có dấu hiệu lung lay. Nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, ngày 18/10 nói nếu đảng này chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ, họ sẽ không tiếp tục “viết ngân phiếu vô tận” cho Ukraine.
Một số nghị sĩ Cộng hòa khác lên tiếng ủng hộ dùng số tiền hỗ trợ Ukraine để giải quyết các vấn đề tồn đọng trong nội bộ Mỹ.
“Thành thực mà nói, chúng tôi đã rất sốc khi nghe tuyên bố của ông McCarthy”, David Arakhamia, chủ tịch đảng của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại quốc hội Ukraine, nói hôm 19/10. “Đoàn chúng tôi mới vài tuần trước đến Mỹ, gặp ông ấy và được đảm bảo rằng sự ủng hộ lưỡng đảng với Ukraine sẽ là ưu tiên hàng đầu ngay cả khi đảng Cộng hòa thắng trong cuộc bầu cử”.
Nhiều nghị sĩ Cộng hòa sau đó tiếp tục lên tiếng về việc giảm ủng hộ cho Kiev.
“Chúng ta không thể là quốc gia dẫn dắt thế giới khi trong nước còn nhiều vấn đề cần xử lý”, nghị sĩ Jim Banks nói với Fox News. Banks là một trong số 57 nghị sĩ Cộng hòa phản đối thông qua gói hỗ trợ 40 tỷ USD cho Ukraine hồi tháng 5. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley, bang Missouri, cũng cho rằng hỗ trợ Ukraine “không vì lợi ích của Mỹ” và việc này “cho phép châu Âu ăn bám”.
Dư luận Mỹ cũng dần thay đổi trong vấn đề này, dù đông đảo người Mỹ vẫn ủng hộ mạnh mẽ cho chính sách hỗ trợ Ukraine. Theo khảo sát trong tháng 10 của viện chính sách Pew Research, 20% người được hỏi cho rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine, tăng so với mức 12% hồi tháng 5 và 7% hồi tháng 3.
“Nếu đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, hoặc chỉ một trong hai viện, động lực chính trị trong nước của Mỹ sẽ chuyển hướng sang đối đầu, với các nghị sĩ Cộng hòa sẽ dành nhiều thời gian hơn cho các cuộc điều tra, cáo buộc nhắm vào đảng Dân chủ, thay vì tập trung vào chính sách đối ngoại”, Daniel Fried, nhà phân tích tại viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, Fried cho rằng đảng Cộng hòa ngay cả khi kiểm soát lưỡng viện quốc hội cũng sẽ không nhanh chóng thay đổi quan điểm với Ukraine, do trong nội bộ đảng vẫn có một số bất đồng trong vấn đề này.
Theo ông, về đối ngoại, đảng Cộng hòa sẽ bị chia rẽ giữa hai cánh theo Chủ nghĩa tân Reagan (neo-Reaganist) và chủ nghĩa Trump (Trumpist), mang ý thức hệ của hai cựu tổng thống Ronald Reagan và Donald Trump. Hai cánh này đều công kích chính quyền hiện tại, kêu gọi Nhà Trắng cứng rắn hơn với Iran và Trung Quốc, thúc đẩy các đồng minh của Mỹ chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng.
Fried dự đoán cánh tân Reagan sẽ thúc đẩy hơn nữa nỗ lực ứng phó Nga, trong khi cánh chủ nghĩa Trump có thể muốn giảm hỗ trợ Ukraine, thậm chí một số trường hợp còn cho rằng đàm phán với Moskva là vì lợi ích quốc gia của Washington.
Bất đồng nội bộ đảng Cộng hòa thể hiện ở việc lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell có quan điểm ngược với ông McCarthy. Ngày 21/10, ông McConnell kêu gọi Mỹ “tăng cường hỗ trợ các hệ thống phòng không, viện trợ nhân đạo và kinh tế cho Ukraine”, sau khi Nga gần đây tăng cường tập kích các thành phố ở nước này, bao gồm cả thủ đô Kiev.
CNN sau đó đưa tin nghị sĩ McCarthy đã trấn an các lãnh đạo an ninh quốc gia trong nội bộ đảng rằng bình luận của ông đã bị đưa ra khỏi bối cảnh. Ông nhấn mạnh mình chỉ muốn tăng cường giám sát các khoản hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine.
Phe Dân chủ và cánh tân Reagan của đảng Cộng hòa nhìn chung giữ quan điểm ủng hộ Ukraine. Một số thành viên Dân chủ cánh tả có thể nghiêng về nhóm nghị sĩ Cộng hòa muốn giảm hỗ trợ Ukraine nhưng không nhiều. Số đảng viên Cộng hòa phản đối hỗ trợ Ukraine gia tăng, nhưng quốc hội Mỹ sau bầu cử giữa kỳ nhiều khả năng không đi theo hướng này.
Châu Âu cũng đang ngày càng lo ngại về điều xảy ra sắp tới. “Nếu Mỹ rút lui, ông Putin có thể giành chiến thắng từ bờ vực thất bại”, Tobias Ellwood, chủ tịch một ủy ban về quốc phòng thuộc quốc hội Anh, nói với Washington Post.
Giới chức Ukraine và các nhà quan sát tại Mỹ nhận định các khoản hỗ trợ cho Ukraine khó có thể bị cắt giảm đáng kể trong ngắn hạn, bất kể kết quả bầu cử giữa kỳ thế nào. Tuy nhiên, họ vẫn cảnh báo một mức giảm nhỏ hoặc chậm trễ trong hỗ trợ cũng sẽ gây bất lợi cho nỗ lực đối phó Nga.
“Điều đó sẽ có tác động rất tiêu cực… bởi các quốc gia châu Âu, thậm chí là Canada, sẽ phải tăng cường hỗ trợ để lấp vào khoảng trống”, Andres Kasekamp, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, chuyên nghiên cứu về NATO, nói. Phần còn lại của NATO “không bao giờ có thể bù đắp khoảng trống đó”.
Kể từ Thế chiến II, đảng của tổng thống đương nhiệm trung bình mất 29 ghế tại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tiên trong nhiệm kỳ. Ngoại lệ đáng chú ý là trong nhiệm kỳ của ông George W. Bush, đảng Cộng hòa giành thêm 8 ghế Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2002.
John Herbst, đại sứ Mỹ tại Kiev giai đoạn 2003 – 2006, cho rằng cánh dân túy trong quốc hội nhiều khả năng sẽ mạnh lên sau cuộc bầu cử giữa kỳ, nhưng liệu điều này có tạo ra áp lực khiến các khoản hỗ trợ Ukraine bị cắt giảm hay không vẫn là một câu hỏi mở.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Mỹ, khi được hỏi về sự gia tăng chủ nghĩa hoài nghi với Ukraine trong đảng Cộng hòa, cho rằng điều quan trọng là không được phép để Nga thắng cuộc chiến này.
“Tôi tin rằng sau cuộc bầu cử giữa kỳ, thế đa số ở quốc hội Mỹ, tại Hạ viện và Thượng viện, sẽ trở nên rõ ràng hơn – để duy trì sự hỗ trợ đáng kể cho Ukraine”, ông Stoltenberg nói với Politico hôm 28/10.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với Axios dù “lo lắng” về tuyên bố của ông McCarthy và một số nghị sĩ Mỹ, ông có niềm tin rằng những phát biểu khoa trương đó sẽ “chìm xuồng”. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ giải quyết hiệu quả những nguy cơ đó và hỗ trợ cho Ukraine sẽ không bị cắt”.
Trả lời BBC tại Kiev, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói ông đã cảm thấy tự tin sau những cuộc gặp gần đây với các nghị sĩ Mỹ từ lưỡng đảng. “Tôi nhận được nhiều thông điệp rằng bất kể bên nào kiểm soát quốc hội Mỹ, sự hỗ trợ mà lưỡng đảng dành cho Ukraine sẽ được tiếp tục. Tôi tin điều đó”.
Như Tâm (Theo Atlantic Council, Global News, BBC)
Để lại một phản hồi