Tập đoàn Hòa Phát (HPG) vừa có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022.
Theo văn bản, ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất, tức là từ nay đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất có thể có 3 lò cao dừng hoạt động. “Ngay khi chúng tôi chắc chắn về việc dừng lò cao lần thứ 3, chúng tôi sẽ có thông báo chính thức” – Văn bản viết.
Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì – động thái này được Hòa Phát nhận định là để “mang tính sống còn của doanh nghiệp” trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Dù thị trường đang gặp khó nhưng hiện tại tồn kho của các doanh nghiệp thép vẫn ở mức khá cao, do đó có thể thấy việc giảm công suất để tập trung giải phóng hàng tồn là phương án hợp lý. Cuối quý 2/2022, hàng tồn kho của Hòa Phát tăng vọt lên 57.600 tỷ đồng từ mức 40.000 tỷ cuối quý 1 trước khi giảm về 44.000 tỷ cuối quý 3.
Quý III/2022, Hòa Phát lỗ lịch sử 1.800 tỷ đồng và cũng là cái tên ghi nhận lỗ lớn nhất trong toàn ngành thép, doanh thu của đại gia thép này đã liên tục đi xuống sau khi đạt đỉnh vào quý IV năm ngoái.
Theo lý giải của Hoà Phát, kết quả kinh doanh trên do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, cùng với đó, giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá than cao gấp 3 lần thời điểm bình thường. Tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của công ty.
Không chỉ thế, sản lượng bán hàng tại Hòa Phát cũng xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2021, cụ thể đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021.
Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, bằng 45% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.
Phía Hòa Phát cho biết, trong thời gian tới, Tập đoàn sẽ điều chỉnh sản xuất và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên quản trị tốt hơn hàng tồn kho và chi phí vận hành.
Nhìn chung, trước tình hình kinh doanh ảm đạm, không chỉ riêng Hòa Phát mà không ít nhà sản xuất thép khác cũng đã và đang cắt giảm công suất để tập trung xóa hàng tồn kho.
Trước đó, có Công ty CP Thép Pomina (mã: POM) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9 và chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty.
Tương tự, Công ty TNHH Thép Miền Nam – VNSTEEL trong ngày 25/10 cũng gửi thông báo đến cán bộ nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngưng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022.
Biến động giá cổ phiếu HPG
Để lại một phản hồi