Viconship dừng kế hoạch phát hành riêng lẻ huy động 800 tỷ đồng

Phương án huy động vốn cho kế hoạch M&A doanh nghiệp vận tải biển đã thay đổi
Phương án huy động vốn cho kế hoạch M&Adoanh nghiệp vận tải biển đã thay đổi.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship) vừa thông qua việc tạm dừng triển khai Phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng. Việc phát hành nhằm huy động vốn cho việc mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu của Viconship tại Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship lên tối đa 49% và bổ sung vốn lưu động.

Trước đó, phương án chào bán riêng lẻ 40 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu đã chính thức được thông qua tại cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường của Viconship tổ chức hồi trung tuần tháng 9 vừa qua. Trong khi tờ trình thông qua báo cáo tài chính nửa đầu năm đạt mức tán thành cao (96,6%), phương án phát hành cổ phiếu lại có tỷ lệ không tán thành lên tới 13,12% và gần 1,2% số phiếu có quyền biểu quyết không có ý kiến. Dù vậy, tỷ lệ tán thành vẫn vượt xa mức yêu cầu để tờ trình được thông qua. Phương án được chấp nhận nhờ ý kiến của các cổ đông nắm giữ số cổ phần chiếm đa số.

“Tuy nhiên, do Công ty đã cân đối được nguồn vốn khác thay thế cho việc huy động vốn từ phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Hội đồng Quản trị nhất trí thông qua việc tạm dừng triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2022 theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 số 02/2022/NQ-ĐHĐCĐ ngày 09/09/2022”, phía Viconship cho hay.

Hội đồng quản trị sẽ thực hiện việc báo cáo Đại hội đồng cổ đông kỳ gần nhất đối với việc tạm dừng trên. Công ty không nêu cụ thể nguồn vốn thay thế. Trước đó, công ty cho biết thời điểm thực hiện giao dịch M&A rơi vào khoảng đầu quý IV. Do đó, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ được lựa chọn giữa nhiều phương án huy động vốn bởi “nếu trễ hơn Viconship sẽ bỏ lỡ cơ hội vào tay các đối thủ khác”.

Hiện giá cổ phiếu VNA đang giao dịch ở mức 35.800 đồng/cổ phiếu. Để đạt tỷ lệ sở hữu 49%, ước tính theo mức giá trên, Viconship cần chi ra 351 tỷ đồng. Cổ phiếu VNA đã lao dốc từ mức đỉnh 60.000 đồng hồi tháng 4/2022.

Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông của Vinaship là điều đáng lưu ý. Cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp vận tải biển này là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam. Vinalines hiện nắm giữ 51% vốn và theo kế hoạch công bố gần nhất cũng chỉ tính giảm sở hữu xuống mức 36%. Ở thời điểm hiện tại, Vinalines chưa công bố về kế hoạch đấu giá cổ phần VNA thuộc sở hữu của tổng công ty này.

Ngoài kế hoạch M&A một doanh nghiệp ngành vận tải biển, Viconship còn đang trình cổ đông thông qua phương án đầu tư vào một doanh nghiệp cùng ngành cảng biển. Số tiền giải ngân vào phương án đầu tư này lên tới tối đa 2.250 tỷ đồng. Công ty đang thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua chủ trương đầu tư và chủ trương huy động vốn qua vay, phát hành trái phiếu riêng lẻ và / hoặc ra công chúng.

Kế hoạch đầu tư trên khá lớn đối với một doanh nghiệp có quy mô tài sản 3.577 tỷ đồng. Lợi thế của Viconship là tỷ lệ nợ trong cơ cấu nguồn vốn đang rất thấp. Tại ngày 30/9, công ty không có khoản vay và nợ thuê tài chính nào. Trong khi đó, công ty cũng có lượng lớn tài sản cố định có thể sử dụng để làm tài sản đảm bảo. Cùng đó, số dư tiền cùng các khoản tiền gửi vẫn còn khá lớn (xấp xỉ 744 tỷ đồng).

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*