“Mua nhà cũng chẳng thể giúp bạn giàu hơn”
Vài tháng sau khi đám cưới được tổ chức trong năm nay, Lilian Li chuyển từ thành phố Trùng Khánh ở phía tây nam Trung Quốc đến một căn hộ ở khu tài chính của Bắc Kinh. Thông thường, các cặp vợ chồng mới cưới ở Trung Quốc coi mua nhà là bước tiếp theo sau kết hôn. Song, Li và chồng lại lựa chọn thuê căn hộ 2 phòng ngủ với giá 13.000 tệ (1.821 USD)/tháng.
Để mua một căn hộ như vậy, vợ chồng Li cần tới 5 triệu tệ, tương đương với hơn 30 năm tiền thuê nhà. Li (28 tuổi) cho biết: “Tôi và chồng đã trao đổi rõ ràng với nhau về cuộc sống mà cả 2 mong muốn, chúng tôi đi đến thống nhất là sẽ không mua nhà.”
Ngày càng nhiều người trẻ tuổi Trung Quốc – nhóm người mua nhà chính ở các khu đô thị, đang đưa ra quyết định tương tự. Và điều này đang trở thành một gánh nặng mới với thị trường bất động sản vốn đã gặp khó khăn của quốc gia tỷ dân.
Vấn đề nan giải với người mua nhà Trung Quốc đó là khả năng chi trả. Tại quốc gia này, giá nhà đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua. Ngoài ra, giá nhà thuê cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn nhiều.
Theo tính toán của công ty dữ liệu bất động sản Zhuge Zhaofang, tỷ lệ chênh lệch giữa giá mua nhà và tiền thuê hàng tháng của họ là hơn 600 tại các thành phố lớn vào tháng 6/2022. Năm 2007, con số này là 400 hoặc thấp hơn. Báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ cao hơn 200 được coi là tín hiệu cảnh báo về khả năng xảy ra bong bóng bất động sản.
Tỷ lệ giá nhà trên giá cho thuê tại các thành phố lớn của Trung Quốc (Thâm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu).
Tại Bắc Kinh, giá trung bình của một căn hộ hiện là khoảng 69.000 tệ/m2 (9.900 USD), theo hãng cung cấp dữ liệu bất động sản crepice.cn.
Thông thường, người mua nhà lần đầu ở Trung Quốc đều sử dụng các khoản vay và sự hỗ trợ từ gia đình để sở hữu một nơi ở tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ của các nhà phát triển như Evergrande đang khiến nhiều người mua buộc phải ngóng chờ những căn hộ chưa hoàn thành. Điều này càng khiến những người trẻ như Li đặt câu hỏi về loại tài sản được coi là khoản đầu tư tốt nhất trong nhiều thập kỷ của các hộ gia đình Trung Quốc.
Theo một cuộc khảo sát của China Index Academy – công ty nghiên cứu bất động sản, doanh số bán nhà của Trung Quốc theo diện tích sàn tại 100 thành phố đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái vào tháng 10. Dù doanh số không giảm nhanh như ở các khu vực đắc địa của những thành phố lớn, nhưng triển vọng u ám đã khiến nhà đầu tư lo lắng. Giá nhà trung bình ở 70 thành phố đã giảm 2,4% trong tháng 10 so với 1 năm trước, giảm 7 tháng liên tiếp.
Victoria Zhan là một banker trẻ tuổi, cô đã hoãn kế hoạch mua căn hộ ở ngoại ô Thượng Hải. Cô cho biết: “Nếu không thể giàu có hơn thì tại sao phải điên cuồng mua bất động sản?”
Bộ phận nghiên cứu của China International Capital Corporation dự báo rằng số lượng người Trung Quốc thuê nhà sẽ tăng từ 200 triệu lên đến 300 triệu vào năm 2023.
Sự can thiệp của chính phủ
Tâm lý “nguội lạnh” với hoạt động mua nhà diễn ra ở đúng thời điểm chính phủ Trung Quốc chuyển hướng sang cung cấp nhà cho thuê giá phải chăng hơn cho người trẻ tuổi. Đây là bước đi nằm trong nỗ lực hướng đến mục tiêu “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nhà chức trách đang cung cấp thêm nhiều nhà cho thuê được chính phủ trợ cấp ra thị trường và đã có những chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực này, bao gồm các khoản vay lãi suất thấp dành cho các nhà phát triển nhà cho thuê.
Qiqi Zhang, giám đốc tập đoàn Warburg Pincus chi nhánh Thượng Hải, công ty đầu tiên đầu tư vào bất động sản cho thuê ở Trung Quốc vào năm 2013, cho biết giá nhà cao ở các thành phố lớn vẫn gây nhiều áp lực cho giới trẻ nước này.
Ông nói thêm, chính phủ thực sự muốn cung cấp thêm nhà cho thuê để giải quyết nhu cầu về chỗ ở của người trẻ tuổi.
Vào tháng 1, Bộ Nhà ở và Kiến thiết thành thị, nông thôn Trung Quốc đã công bố mục tiêu xây dựng 6,5 triệu căn nhà giá rẻ tại 40 thành phố trong vòng 5 đến năm 2025. Số lượng nhà này đủ để cung cấp nơi lưu trú cho 13 triệu thanh niên và cư dân mới.
Việc chính phủ thúc đẩy thị trường nhà ở cho thuê có liên quan mật thiết đến động thái hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các dự án dân cư.
Tháng trước, các cơ quan quản lý tài chính đã kêu gọi chính phủ đẩy mạnh việc chuyển đổi nhà chưa hoàn thiện thành nhà cho thuê và lộ trình hỗ trợ tài chính chi tiết để giúp các ngân hàng và nhà đầu tư mua lại các dự án đó.
Sau đó, chính quyền thành phố Khai Phong ở tỉnh Hà Nam cho biết họ có kế hoạch mua hơn 1.000 căn hộ chưa hoàn thành của Evergrande vào năm tới và chuyển thành nhà cho thuê.
Ở thành phố Tây An, 7 ngân hàng bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) thông báo sẽ cung cấp hạn mức tín dụng 210 tỷ NDT để hỗ trợ các dự án nhà cho thuê.
CCB – ngân hàng lớn thứ 2 Trung Quốc tính theo tài sản, cho biết họ đã thành lập một quỹ riêng dành cho nhà cho thuê trị giá 30 tỷ NDT để mua lại các dự án khu dân cư chưa hoàn thành ở hơn 20 thành phố. Nguồn tin thân cận tiết lộ, một số dự án được mua lại với mức chiết khấu 50% so với giá ban đầu.
Trong một lưu ý, các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết việc Bắc Kinh khuyến khích tăng nguồn cung nhà cho thuê đúng với lời kêu gọi của ông Tập vào năm 2015. Khi đó, ông tuyên bố rằng “nhà là để ở chứ không phải đầu cơ”. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, quá trình này sẽ mất thời gian và hiện sẽ chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ thị trường bất động sản đang ở trong một cuộc khủng hoảng.
Quay lại với Li, cô cho biết đi thuê nhà sẽ giúp cô và chồng tiết kiệm được nhiều hơn, nhờ đó giúp họ duy trì chất lượng cuộc sống. Cô nói: “Chúng tôi có thể mua một căn hộ ở Trùng Khánh khi về già để nghỉ hưu. Còn trước đó, tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục thuê nhà ở Bắc Kinh.”
Tham khảo Financial Times
Để lại một phản hồi