Cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn sóng đầu năm 2023?

Năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank đạt gần 36.800 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng lớn hé lộ lợi nhuận

Dù báo cáo tài chính quý IV/2022 chưa được công bố, song theo dự báo của các chuyên gia phân tích, năm 2022, bức tranh lợi nhuận ngân hàng có sự phân hóa mạnh, cùng sự trở lại của nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Sau 2 năm “ghìm” tăng trưởng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tích cực trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận của khối ngân hàng này đã tăng mạnh trở lại.

Kết thúc năm 2022, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank đạt gần 36.800 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021. Con số này tại BIDV là 22.560 tỷ đồng, tăng gần 80% và tại VietinBank là 20.500 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm 2021.

Tín dụng được rót vào lĩnh vực ưu tiên, lãi suất được kiểm soát ở mức hợp lý, chất lượng tài sản tốt… là những lý do khiến các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước được Ngân hàng Nhà nước ưu ái cấp room tín dụng, từ đó cải thiện kết quả kinh doanh. Năm 2022, tín dụng của các ngân hàng này đều tăng mạnh, trong khi nợ xấu được kiểm soát chặt.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của BIDV chỉ còn 0,9%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 245%, mức cao nhất trong những năm gần đây, số dư quỹ dự phòng rủi ro lên tới 40.000 tỷ đồng. Tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,67% và bao phủ nợ xấu cũng lên trên 465%, dự phòng rủi ro lên tới. Tại VietinBank, nợ xấu cũng chỉ 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190% (tăng 10% so với năm 2021)…

Khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân chưa công bố lợi nhuận, song dự báo, các ngân hàng tốp đầu vẫn giữ được mức tăng trưởng khả quan, nhất là các ngân hàng có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không quá lớn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ và các ngân hàng có dư nợ trái phiếu lớn có khả năng tăng trưởng chững lại trong quý IV/2022.

Kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, theo nhiều tổ chức tín dụng, kết quả kinh doanh quý IV/2022 không đạt mức kỳ vọng. Dù vậy, tính chung trong năm 2022, có 80% tổ chức tín dụng nhận định tình hình kinh doanh tổng thể “cải thiện” so với năm 2021.

Cổ phiếu vua sẽ dẫn sóng năm 2023?

Theo các chuyên gia phân tích VNDirect, năm 2022, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng khoảng 32%. Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ giảm tốc, tăng trưởng chỉ khoảng 10% do tăng trưởng tín dụng chậm lại, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng. Mặc dù vậy, cơ hội vẫn được mở ra với các ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao, cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu hệ thống… Đây sẽ là các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên trong cấp room tín dụng năm 2023.

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư, người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) thuộc VinaCapital cho hay, năm 2023, Quỹ VESAF sẽ cân nhắc tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, nhất là các ngân hàng có lợi thế cạnh tranh về các chỉ số thanh khoản, danh mục cho vay đa dạng và quản trị rủi ro tốt.

Năm 2022, cổ phiếu ngân hàng đã trải qua thời kỳ sóng gió, khi chỉ có 2 mã tăng giá (VCB và BID), 25/27 mã giảm giá, có mã giảm tới hơn 50%. Thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh so với trước. Mặc dù vậy, năm 2023, cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn sóng trở lại sau khi định giá ngành ở mức thấp nhất 10 năm qua. Tuy nhiên, nhiều khả năng, thị trường sẽ có thử thách trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng theo chiều hướng tích cực vào nửa cuối năm.

Dĩ nhiên, không phải cổ phiếu ngân hàng nào cũng là cổ phiếu tốt. Giới phân tích đánh giá cao các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao, cũng như bộ đệm thanh khoản và dự phòng rủi ro tốt.

Thực tế, tuần đầu tiên của năm 2023, cổ phiếu ngân hàng được giao dịch khá tích cực. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, hiện vẫn còn quá sớm để nhận định về xu hướng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu vua, song nhiều khả năng, nhóm ngân hàng đang dẫn dắt thị trường về các vùng 1.060 – 1.080 – 1.100 điểm trước khi nhường vai trò cho các nhóm ngành khác có mức vốn hóa nhỏ hơn.

Khi khủng hoảng thanh khoản được giải quyết thì nhóm ngân hàng sẽ có lợi thế, vì đây là nhóm ngành đầu chuỗi của các hoạt động thu nhập và đầu tư. Ngành ngân hàng là nhóm ngành được tôi đưa vào danh sách ưu tiên nhất. Tuy vậy, cần tìm ra các cổ phiếu có “câu chuyện” trong năm 2023, như đối tác chiến lược, tái cơ cấu thành công, room tín dụng, định giá P/B (giá cổ phiếu so với giá trị sổ sách)… Những câu chuyện đã thành “thường niên” như cải thiện NIM, lợi nhuận… không còn nhiều ý nghĩa trong việc đưa ra quyết định giải ngân”.

– Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập và Tổng giám đốc Công ty Đầu tư FIDT

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*