Agriseco: Thị trường tháng 2 bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu

Thị trường chứng khoán khởi đầu năm mới thuận lợi với mức tăng khoảng 10% trong tháng 1. Mức tăng này được hỗ trợ bởi dòng tiền khối ngoại và tự doanh với giá trị mua ròng đạt 4.200 tỷ đồng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa qua đã tiếp tục nâng lãi suất nhưng với mức tăng chỉ còn 0,25% đã củng cố kỳ vọng về việc FED sẽ sớm kết thúc chu kỳ nâng lãi suất và tăng mức lạc quan về khả năng “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá số liệu lợi nhuận quý 4 và cả năm 2022 đã cho thấy sự suy yếu khá rõ trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong quý 1/2023, việc duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2022 sẽ là một thách thức do mức nền cao, đồng thời ảnh hưởng của chi phí vốn cao sẽ dần thẩm thấu. Tuy nhiên xét về mặt định giá, P/E khoảng 12 lần của VN-Index vẫn là khá hấp dẫn và lực cầu vẫn đang được nâng đỡ bởi dòng tiền khối ngoại.

Thị trường được dự báo sẽ bước vào giai đoạn tích lũy đi ngang và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Riêng trong tháng 2/2023, Agriseco Research khuyến nghị nhà đầu tư có thể lựa chọn là cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, tài chính lành mạnh, tiềm năng kết quả kinh doanh quý 1 tốt hoặc có câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới và đang có mức định giá không đắt đỏ.

Đối với CTCP Nhựa Bình Minh (mã chứng khoán: BMP), công ty ghi nhận kết quả kinh doanh quý 4 tích cực khi LNST đạt 248 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 130%, giá bán bình quân cũng tăng gần 25% trong khi chi phí đầu vào giảm mạnh.. Agriseco kỳ vọng LNST tiếp tục tăng trưởng trong các quý tới do giá hạt nhựa PVC vẫn trong xu hướng giảm và đang ở mức thấp hơn 30% so với cùng kỳ. Điều này sẽ giúp BMP tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan trong quý 1/2023 khi đây là nguyên liệu đầu vào chính cho hoạt động sản xuất nhựa (chiếm tỷ trọng khoảng 70%).

Không chỉ vậy, BMP có lợi thế về nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào khi cổ đông lớn nước ngoài là Tập đoàn SCG sở hữu Tổ hợp Hóa dầu Long Sơ dự kiến đi vào hoạt động năm 2023 có khả năng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất hạt nhựa PVC, giúp Nhựa Bình Minh hưởng nhiều ưu đãi về giá. BMP còn có sức khỏe tài chính tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định và tỷ suất cổ tức hấp dẫn. Agriseco Research dự báo doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì chính sách cổ tức tiền mặt khoảng 50%-70% cho năm 2023, tương ứng lợi suất cổ tức ở khoảng 10%.

Tại CTCP FPT (mã chứng khoán: FPT), Agriseco kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2023 sẽ duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số, cụ thể tăng trưởng khoảng 18% so với cùng kỳ về doanh thu và LNTT chủ yếu nhờ mảng xuất khẩu phần mềm tăng tại các thị trường Nhật Bản, Mỹ (20 – 30%), cùng với đó là mảng chuyển đổi số tăng 30%. Các hợp đồng chuyển đổi số cho thấy tín hiệu khả quan trong tháng đầu năm 2023 khi ký kết hợp tác chuyển đổi số cho các doanh nghiệp như Stavian, Gas South. Bên cạnh đó, mảng viễn thông duy trì ổn định với tốc độ tăng 11% nhờ lượng đăng ký thuê bao internet ổn định và đóng góp từ mảng PayTV và Datacenter.

Đặc biệt, FPT là cổ phiếu đầu ngành công nghệ với tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tối đa trong nhiều năm. Đây còn là cổ phiếu ổn định với giá cổ phiếu tăng trưởng bình quân 16%/năm trong 5 năm gần đây. Đồng thời hệ số Beta ở mức khoảng 0,6 – 0,7 lần cho thấy khả năng chống chịu tốt trước biến động của thị trường. Về tài chính, FPT duy trì tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu đều đặn, tình hình tài chính lành mạnh tỷ lệ tiền mặt ròng cao hơn 20.000 tỷ đồng, hệ số vay nợ giảm từ 0,94 xuống 0,49 lần. Tình hình tài chính lành mạnh giúp giảm rủi ro trước biến động thị trường.

Trong khi đó, CTCP Gemadept (mã chứng khoán: GMD) được kỳ vọng sẽ ghi nhận lợi nhuận đột biến từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ trong năm 2023. Agriseco dự báo giá trị chuyển nhượng khoảng 2.000 – 2.500 tỷ đồng, do đó thương vụ bán cảng này được kỳ vọng sẽ giúp hỗ trợ lợi nhuận cho GMD trong bối cảnh năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn, đồng thời tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án trong tương lai.

Doanh nghiệp dự kiến triển khai cảng Gemalink giai đoạn 2 trong năm 2023 và có thể đưa dự án vào vận hành trong giai đoạn 2024 – 2025. Dự án này dự kiến giúp tăng công suất của doanh nghiệp lên gấp đôi so với hiện tại, lên mức 3 triệu TEUs. Bên cạnh đó, Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 cũng được kỳ vọng đạt hiệu suất cao sau khi vận hành, nhờ tiếp nhận một lượng khách sau khi chuyển nhượng cảng Nam Hải Đình Vũ. Gemadept tự tin với việc có thể đạt hiệu suất cao và thậm chí có lãi ngay trong năm đầu tiên đi vào hoạt động. Nếu thuận lợi, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3 có thể được triển khai sau giai đoạn 2 giúp Nam Đình Vũ trở thành cảng lớn nhất phía Bắc.

Đối với TCT Điện lực dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: POW), Agriseco Research cho rằng điều kiện thời tiết sẽ thuận lợi cho tăng trưởng sản lượng huy động và giá phát điện trong năm 2023. Các dự báo đều đồng thuận rằng xác suất xuất hiện Elnino từ giữa 2023 là cao, với lượng mưa giảm đáng kể. Do đó, khả năng phát từ nguồn thủy điện sẽ giảm và giá phát điện được dự báo sẽ tăng so với cùng kỳ. Với cơ cấu danh mục dự án chủ yếu là nhiệt điện than và khí , POW đặt kế hoạch sản lượng và doanh thu tăng trưởng 10% trong năm 2023, đạt lần lượt là 15,6 triệu kWh và 30,3 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, việc tái vận hành tổ máy số 1 của dự án Vũng Áng 1 dự kiến sẽ trong tháng 3, là cao điểm tiêu thụ điện của miền Bắc. Bên cạnh đó, việc giá than đã giảm tới 30% trong tháng 1 cũng sẽ giúp các nhà máy có sử dụng than nhập khẩu giảm bớt áp lực thiếu nguyên liệu, đồng thời cải thiện khả năng cạnh tranh và biên lợi nhuận gộp của nhà máy Vũng Áng. Về cổ phiếu POW, Agriseco cho rằng mức định giá hiện tại đang rẻ so với tiềm năng doanh nghiệp, P/B hiện ở mức 0,8x lần, tương đối thấp so với bình quân 5 năm (trên 1,1x lần) và cơ hội tăng trưởng sản lượng huy động và lợi nhuận trong năm 2023.

Sau quý cuối năm đầy khởi sắc của ngành ngân hàng, Agriseco lựa chọn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB) là cơ hội đầu tư cho tháng 2. Theo đó, quá trình xử lý nợ tại VAMC dự kiến sắp hoàn tất sẽ giúp ngân hàng giảm tải áp lực trích lập dự phòng cho khoản này trong các năm sau. .rong năm 2022, STB đã trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC lên tới 8.573 tỷ đồng, khiến số dư nợ ròng VAMC cuối năm chỉ còn khoảng 6.919 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức khoảng 41 nghìn tỷ đồng (cuối quý 1/2018). Đồng thời, các khoản lãi và phí phải thu của STB giảm mạnh, xuống còn 5.079 tỷ đồng (- 49%) vào cuối năm 2022. Điều này sẽ giúp ngân hàng không còn phải ghi nhận giảm trừ doanh thu từ lãi trong các năm sau, thúc đẩy NIM, gia tăng thu nhập lãi thuần. Đặc biệt, theo thống kê, từ đầu năm 2023 tới nay, STB là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị trên 500 tỷ đồng. Điều này sẽ hỗ trợ tạo dư địa cho đà tăng giá cổ phiếu thời gian tới.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*