“Lam đồng hoa nở” là bộ phim kể về một chàng trai nghèo được cả làng làng góp tiền cho đi học rồi trở thành người thành công và muốn báo đáp quê hương. Bộ phim cảm động ấy khiến người ta nghĩ đến một câu chuyện có thật về vị tỷ phú tên Trần Sinh – Chủ tịch tập đoàn đồ uống Tiandi No 1 Beverage, ông chủ của chuỗi thịt lợn cao cấp Yihao Tuzhu và cũng là một đại gia có tiếng trong ngành bất động sản.
Thuở hàn vi rơi nước mắt
Trần Sinh sinh năm 1962, quê ở Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông sinh ra trong gia đình đông con, bố mất sớm nên mẹ phải một mình gánh vác hết mọi việc. Tuy là người không biết chữ nhưng mẹ Trần Sinh vô cùng ủng hộ việc học cho các con. Hiểu được điều này, chàng trai nghèo năm ấy rất nỗ lực học hành và phụ giúp mẹ trang trải cho cuộc sống.
Năm 1980, Trần Sinh đỗ khoa Kinh tế của Đại học Bắc Kinh nhưng ông không vui nổi. Vì nhà quá nghèo nên dù đỗ được đại học ông cũng bất lực không biết phải xoay xở chuyện tiền bạc thế nào. Đang lúc tuyệt vọng thì cả làng đã cùng nhau cóp nhặt từng đồng từng hào gửi đến Trần Sinh bởi “Làng chúng ta cuối cùng cũng có người đầu tiên đỗ đại học rồi. Chúng ta nhất định phải cho thằng bé đi học.”
Cả làng đều quá nghèo nhưng cũng cố góp được 21 nhân dân tệ, hầu như đều là những tờ tiền nhàu nát với nhiều xu lẻ. Trần Sinh bật khóc vì cảm động. Đều là những người nghèo như nhau, ông hiểu mọi người dành dụm được vài đồng thôi cũng chẳng dễ dàng gì. Nhưng vì mong Trần Sinh có thể tiếp tục đi học, họ liền đưa tiền cho ông. Ông cầm số tiền ấy lên Bắc Kinh học tập, mong muốn ngày nào đó có thể trở về báo đáp dân làng.
Năm 1984, Trần Sinh tốt nghiệp đại học và đi tìm việc làm. Tìm được công việc ổn định nhưng lương không cao khiến ông nghĩ đến những hướng đi mới. Ông thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau như chăn nuôi và bất động sản.
Nhờ có dân làng góp tiền cho đi học đại học, Trần Sinh đã được ‘tiếp thêm sức mạnh’ để bước đi trên con đường học vấn và ngày càng gặt hái được nhiều thành công về sau. Ảnh: China Daily
Chỉ sau vài năm kinh doanh, chàng trai nghèo đã kiếm được số tiền khổng lồ, tạo thành bàn đạp để chuyển sang các lĩnh vực mới mà ông muốn theo đuổi. Trong 3 năm, Trần Sinh đã trở thành đại gia kinh doanh bất động sản, cùng lúc điều hành 3 công ty bất động sản lớn nhất Trạm Giang và nắm trong tay hàng trăm triệu USD.
Ông lập thêm công ty kinh doanh đồ uống và đầu tư cả vào thịt lợn sạch. Năm 2007, “Lợn bản địa số 1” của ông đã trở thành thương hiệu thịt lợn chất lượng cao nổi tiếng khắp Trung Quốc. Ông thành lập trường dạy bán thịt lợn, giúp đỡ bà con nâng cao kiến thức trong việc chăn nuôi chuyên nghiệp.
Ông còn là nhà sáng lập công ty nước giải khát Tiandi No 1 Beverage, sở hữu khối tài sản ngày càng khổng lồ.
Quay về đền đáp tình xưa nghĩa cũ nhưng…
Năm 2013, chàng trai nghèo khó năm nào nay đã thành một vị tỷ phú giàu có và quay trở về làng để trả ơn. Trần Sinh bỏ ra đến 200 triệu nhân dân tệ (31,9 triệu USD) để xây dựng 258 căn biệt thự sang chảnh trên đất do chính quyền địa phương cung cấp.
Vị tỷ phú Trung Quốc xây 258 biệt thự sang làm quà cho dân làng nhưng chẳng ai ở vì lòng tham khiến họ không thoả mãn. Ảnh: Pictolic
Mỗi ngôi nhà 3 tầng rộng 280m2, có năm phòng ngủ, hai phòng khách, một gara và một khu vườn nhỏ. Từng căn biệt thự đều có sân để chơi thể thao và thậm chí còn có cả sân khấu cho các sự kiện khác nhau. Việc xây dựng đã được hoàn thành vào năm 2016.
Những ngôi nhà sang trọng ấy đều hoàn toàn miễn phí, sẵn sàng mở cửa đón chào những vị ân nhân ngày trước của Trần Sinh dọn vào ở. Những tưởng thế là xong nhưng mọi chuyện lại không diễn ra đơn giản như vậy.
Dựa vào việc điều tra dân số của chính quyền vào năm 2013, Trần Sinh đã xây nhà cho 190 hộ gia đình. Tuy nhiên, có nhiều người đã rời quê hương nay muốn về nên đã xin thêm nhà, có người không biết nên chọn căn nào, còn có nhiều gia đình lại muốn có hai căn biệt thự.
Trần Sinh bỗng trở thành đối tượng bị dân làng “tra khảo” xem mỗi người sẽ nhận được mấy ngôi nhà. Việc mọi người cãi nhau và những căn biệt thự bị bỏ lại trống rỗng khiến vị tỷ phú không khỏi thất vọng. Ảnh: The Star
Những bất đồng mà mọi người không thể thống nhất đã khiến Trần Sinh phải tránh trở về quê hương mình trong hai năm vì cảm thấy chán nản về những chuyện đã xảy ra: “Nếu tôi quay về, mọi người sẽ đưa ra thêm đủ loại yêu cầu. Tôi không muốn trở lại cho lắm,” ông nói với Southern Metropolis Daily.
Trong thời gian bị bỏ không, các căn biệt thự phải chịu nhiều sự phá hoại nên phải sửa chữa nhiều lần. Nhiều cửa sổ bị đập vỡ, đồ nội thất bị hỏng hóc, nhà cửa phải sửa sang thêm để chờ người dọn vào.
Ngoài xây nhà cho mọi người ở, Trần Sinh còn xây thêm các dãy biệt thự nhỏ ở quê hương để giúp phát triển du lịch. Ông cũng xây lại trường học và trợ cấp lương cho giáo viên. Ông muốn trồng vải thiều và xây một trang trại nuôi lợn gần khu biệt thự để tạo ra hơn 100 việc làm cho mọi người, theo SCMP đưa tin.
Tuy sau buổi thảo luận lại về sự phân chia nhà ở, các hộ gia đình có thể thống nhất lại việc ai ở nhà nào nhưng cách cư xử của dân làng đã khiến mong muốn báo đáp của Trần Sinh trở thành một câu chuyện không mấy vui vẻ đối với ông.
Nguồn: Tổng hợp
Để lại một phản hồi