Chiến thuật giúp nhà đầu tư kiếm bộn tiền dù Fed tăng lãi suất đến đâu

Nghịch lý khó hiểu

Theo Bloomberg, trong mấy tháng trở lại đây, “chống lại Fed” – tức “phớt lờ” quyết tâm tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang – hiện là chiến lược giao dịch giúp các nhà đầu tư trên phố Wall thắng lớn.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 15% kể từ đầu quý 4 năm ngoái đến nay. So với mức đáy lập hồi tháng 10, mức tăng là 16%, tiến gần đến ngưỡng tăng điểm 20% mà nhiều nhà đầu tư định nghĩa là “thị trường con bò”.

Chiến thuật giúp nhà đầu tư kiếm bộn tiền dù Fed tăng lãi suất đến đâu - Ảnh 1.

Trong quãng thời gian đó, Fed đã tăng lãi suất 3 lần, đồng thời còn khẳng định lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian dài nữa. Theo lẽ thường, lãi suất tăng là tin xấu cho cổ phiếu. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy nhà đầu tư không quan tâm đến điều đó. Tại sao phố Wall lại đang xảy ra nghịch lý như vậy?

Có vẻ như nguyên lý đặt cược của nhà đầu tư hiện nay là: các đợt tăng lãi suất (kể cả trong tương lai) đều đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Hơn nữa, Fed hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện một “cú hạ cánh mềm” – kiểm soát được lạm phát mà vẫn giữ được đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Chính lập luận này khiến các trader (vốn e sợ lạm phát và lãi suất tăng) tiếp tục lạc quan về thị trường, trong khi đà tăng điểm mạnh mẽ như hiện nay luôn ẩn chứa nhiều rủi ro.

“Nếu như Fed thắng (trong cuộc chiến với lạm phát) thì sao? Có vẻ như đúng là họ đang thắng”, Adam Sarhan, nhà sáng lập quỹ 50 Park Investments nói. “Nhà đầu tư kiếm bộn khi họ hùa theo số đông, đừng bao giờ chống lại xu hướng chung”, ông nói. 50 Park Investments hiện đang tích cực mua vào cổ phiếu Mỹ, trong đó có cả các cổ phiếu công nghệ.

Tất nhiên, chiến thuật này không phải là không có rủi ro. Mối đe dọa lớn nhất mà nhóm các nhà đầu tư lạc quan gặp phải là báo cáo việc làm tháng 1 sẽ được công bố vào thứ 6 tuần này. Nếu như 1 thị trường lao động khỏe mạnh khiến tiền lương tiếp tục tăng trưởng, lạm phát sẽ không thể hạ nhiệt. Và điều đó sẽ ngăn Fed tạm ngừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong mấy chục năm trở lại đây.

Dẫu vậy, hiện có nhiều yếu tố ủng hộ họ.

Lịch sử ủng hộ nhà đầu tư?

Đầu tiên là sự chuyển dịch trong nhóm dẫn dắt thị trường tăng điểm. Theo hãng nghiên cứu đầu tư CFRA, trong lịch sử, những ngành tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay như tiêu dùng không thiết yếu, nguyên vật liệu thô và công nghệ thông tin đều tăng điểm mạnh ở giai đoạn đầu của “thị trường con bò”.

Cũng theo dữ liệu lịch sử, suy thoái không phải là thứ quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Kể từ Thế chiến thứ 2, chỉ có 9 thời điểm suy thoái đi kèm với thị trường con gấu. Trong những thời kỳ đó trung bình chỉ số S&P 500 giảm 35%, so với mức giảm 28% nếu không đi kèm với suy thoái.

Thú vị hơn, kể từ năm 1948 đến nay, chỉ có 3 thị trường con gấu không đi kèm với suy thoái. Trung bình chỉ trong vòng 5 tháng sau khi chạm đáy là thị trường lại bước vào chu kỳ tăng giá và thị trường con bò lại xuất hiện.

Chiến thuật giúp nhà đầu tư kiếm bộn tiền dù Fed tăng lãi suất đến đâu - Ảnh 2.

Sam Stovall, chiến lược gia của CFRA, hết sức lạc quan về chứng khoán Mỹ mặc dù ông nhận định vẫn sẽ xảy ra 1 cuộc suy thoái nhẹ. Ông dự đoán chỉ số S&P 500 sẽ đạt 4.575 điểm trong 12 tháng tới, tức tăng 11% so với mức đóng cửa phiên cuối tuần trước.

Đối với cổ phiếu, câu hỏi liệu nền kinh tế có rơi vào suy thoái không phải là điều quan trọng, mà độ dài của đợt suy thoái mới là thứ đáng chú ý. Theo Gina Martin Adams, chuyên gia của Bloomberg Intelligence, suy thoái ngắn hơn sẽ dẫn đến thị trường hồi phục nhanh hơn.

Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, giới phân tích dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trong quý II và quý III năm nay trước khi hồi phục vào cuối năm.

Thậm chí kể cả những người bi quan nhất về thị trường cũng đang trở nên lạc quan hơn. Doug Ramsey, CIO của Leuthold Group, cho biết từ đầu năm công ty đã bắt đầu tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục. Mặc dù nhận định kinh tế sẽ suy thoái trong nửa cuối năm, ông muốn lướt sóng tận dụng đà tăng hiện nay trong lúc chờ đợi các tín hiệu kỹ thuật được cải thiện.

“Thông thường thì sẽ có cơ hội kiếm tiền từ thị trường trong giai đoạn giữa 2 chỉ báo quan trọng: đường cong lợi suất bắt đầu đảo chiều và thị trường chứng khoán đạt đỉnh trước khi kinh tế suy thoái. Một số người có thể cho rằng việc đó quá mạo hiểm, giống như cố bắt lấy vài đồng xu lẻ rơi ngay trước mũi tàu lượn siêu tốc. Nhưng cũng có thể việc đó lại giống như nhặt những thỏi vàng trước mũi 1 chiếc xe đạp ba bánh mà thôi. Và đó chính là món hời”, ông nói.

Về dài hạn, Ramsey lo ngại những nhóm cổ phiếu diễn biến tốt trong kịch bản hạ cánh mềm cũng chính là nhóm diễn biến tốt trước khi suy thoái ập đến, ví dụ như cổ phiếu công nghiệp và nguyên vật liệu thô.

Tuy nhiên, phe lạc quan không chú ý đến điều đó. Đối với họ, chỉ đơn giản là khó có khả năng kinh tế Mỹ suy thoái và lạm phát đang hạ nhiệt giống như Fed mong muốn. Vì thế, chắc chắn thị trường sẽ tăng điểm.

Tham khảo Bloomberg

Tín hiệu mới nhất cho thấy Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao hơn 5,25% trong thời gian dài

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*