Theo tờ New York Times (NYT), thông tin gia tộc Glazer sở hữu đội bóng Manchester United (MU) rao bán câu lạc bộ (CLB) này đã tràn lan trên truyền thông khi World Cup tại Qatar mới chỉ diễn ra vào ngày thứ 3.
Vậy là mọi buổi sáng kể từ tháng 11/2022 trở thành câu chuyện giải đố của các tờ báo xem ai sẽ là chủ sở hữu mới của đội bóng MU, một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất thế giới.
Ngay sau tuyên bố của gia tộc Glazer, một tỷ phú người Anh xác nhận sẽ tham gia cuộc đua, một quỹ đầu tư Mỹ cũng tham chiến, rồi lời đề nghị từ phía Ả Rập Xê Út càng khiến cuộc đấu giá này trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên phải đến gần đây thì những người chơi của trận đấu giá này mới lộ rõ. Đầu tiên là Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani, một thành viên ít danh tiếng của gia đình hoàng tộc Qatar, đồng thời là chủ tịch ngân hàng Qatari đã đề nghị thanh toán 6 tỷ USD tiền mặt để mua lại MU.
Sheikh Jassim bin Hamad al-Thani
Lời đề nghị của Sheikh Jassim được cho là điển hình của giới nhà giàu Trung Đông không có gì ngoài tiền. Việc mua lại MU mà không vay nợ đồng nào từ ngân hàng được cho là một thỏa thuận cực kỳ hấp dẫn với gia tộc Glazers, những người vốn đã tham gia kiểm soát giải đấu Ngoại hạng Anh trong gần 20 năm qua.
Động thái chơi trội của Sheikh Jassim không chỉ làm giới truyền thông bất ngờ mà còn khiến chính gia tộc Glazers “sợ hãi”. Ngân hàng Raine phụ trách giao dịch cuộc đấu giá này đã yêu cầu những người mua hạn chế công bố thông tin công khai nhằm cố gắng thu hút thêm những người mua mới, hoặc ít nhất tránh việc dọa lui những đối thủ cạnh tranh khác.
Tuy nhiên, hoàng gia Qatar phớt lờ những yêu cầu này và chúng đã tạo ra tiền lệ mới khi người mua đua nhau công bố thông tin nhằm “thị uy” đối thủ. Mới đây, tỷ phú ngành hóa dầu Anh Jim Ratcliffe đã đề nghị mua lại 69% cổ phần mà Glazers nắm giữ trong MU.
Vị tỷ phú này cho biết mình là một người hâm mộ của đội bóng MU, đồng thời bày tỏ quan điểm một người Anh sở hữu CLB sẽ có lợi hơn so với những đại gia đến từ Trung Đông.
Ông Ratcliffe sinh ra tại Manchester-Anh và là một người hâm mộ lâu năm của đội bóng MU. Vị tỷ phú này đã cam kết sẽ đưa MU trở lại phong độ vốn có của đội bóng, khôi phục lại những giá trị truyền thống của CLB chứ không phải vì lợi nhuận của nhà đầu tư, hướng đến lịch sử và những di sản cốt lõi của miền Tây Bắc nước Anh.
Tranh cãi
Lời đề nghị của Ratcliffe đã làm chia rẽ những người hâm mộ MU. Một bộ phận muốn CLB này được bán cho “gã nhà giàu” Qatar để xem hàng tỷ USD tiền đầu tư có thể thay đổi MU như thế nào, tương tự như những gì UAE đã làm với người hàng xóm, đội bóng Manchester City.
Trong khi đó, một bộ phận người hâm mộ khác mà chủ yếu là tại Anh thì muốn Ratcliffe chiến thắng bởi vô vàn những lý do mà chủ yếu là vì những lời cam kết của vị tỷ phú này.
Tỷ phú Jim Ratcliffe
Tuy nhiên theo quy định của Liên đoàn bóng đá Châu Âu (UEFA), các đội bóng có cùng một ông chủ sẽ không thể tham gia các giải đấu đỉnh cao như cúp C1 Châu Âu.
Trớ trêu thay là Ratcliffe đã sở hữu đội bóng OGC Nice hiện đang chơi tại Pháp, vốn đang hút tiền của vị tỷ phú này để cố gắng tham gia các giải đấu lớn ở Châu Âu.
Tương tự, Sheikh Jassim sẽ gặp khó khăn rất lớn để thuyết phục UEFA rằng đội Paris St Germain do ngân hàng Qatari sở hữu sẽ không xung đột với thương vụ mua lại MU lần này khi cả 2 tham gia cúp C1 Châu Âu.
Người cha của Sheikh Jassim vốn nổi tiếng là nhà lãnh đạo có tư duy toàn cầu hóa, vung tiền mua hàng loạt những tài sản tại Anh như tòa thương mại Harrods và tòa tháp cao nhất Anh Shard. Bởi vậy động thái của Sheikh Jassim được cho là mang hơi hướng đầu tư hơn là duy trì những văn hóa, giá trị cốt lõi của CLB lâu đời này.
Ở một khía cạnh khác, cả Ratcliffe và Sheikh Jassim sẽ phải đối đầu với thêm vô số đối thủ nữa bởi nhiều người có thể sẽ ẩn danh hoặc hạn chế công khai trong cuộc đua mua lại MU này.
Kẻ chiến thắng
Theo NYT, bất kể người chiến thắng sau cùng trong cuộc đua sở hữu MU là ai thì người được lợi nhất vẫn là nhà Glazers.
Trên thực tế, người hâm mộ MU từ lâu đã phản đối việc Glazers tiếp tục sở hữu CLB. Trong một thỏa thuận đầy tranh cãi năm 2005, gia tộc này đã chiếm cổ phần chi phối đội bóng và nhận hàng trăm triệu USD từ MU mà chẳng chi lại đồng nào để tái đầu tư. Nói cách khác, CLB phải tự cân đối tài chính, đồng thời gánh thêm “cục nợ” là chủ sở hữu Glazers.
Thỏa thuận này dù gây phẫn nộ trong cộng đồng người hâm mộ nhưng lại là món hời để đời cho nhà Glazers. Tờ NYT cho biết nhờ những khoản phí và cổ tức hàng năm mà gia tộc này đã thu về số tiền lớn hơn gấp nhiều lần so với đầu tư ban đầu, khoảng 1,4 tỷ USD tại thời điểm đó.
Cổ động viên MU muốn nhà Glazers ra đi
Đó là chưa kể giá trị của MU đã tăng mạnh kể từ năm 2005 đến nay và giới truyền thông nhận định gia tộc này sẽ tìm kiếm mức thỏa thuận khoảng 7 tỷ USD để bán CLB.
Tất nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng thích con số này khi MU vẫn còn mang khoản nợ gần 6 triệu USD và được định giá chỉ vào khoảng 3 tỷ Bảng Anh, tương đương 3,6 tỷ USD.
Bất chấp điều đó, ngân hàng Raine đang tích cực tìm kiếm những khách hàng tiềm năng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn mức giá thị trường để sở hữu MU.
Năm 2022, Raine đã thành công trong thương vụ bán CLB Chelsea với giá 2,5 tỷ Bảng, tương đương 3 tỷ USD. Tuy nhiên đó là thời điểm mà tỷ phú Roman Abramovich bị buộc phải bán do lệnh cấm vận từ chính phủ Anh với chủ sở hữu người Nga sau cuộc xung đột Ukraine.
Gia tộc Glaziers không gặp phải áp lực này nên bất kể người mua là ai, bất kể người hâm mộ bức xúc thế nào, bất kể thời gian đợi chờ là bao lâu thì MU sẽ chỉ được bán với mức giá khiến họ hài lòng.
*Nguồn: NYT
Để lại một phản hồi