Cổ phiếu “vàng đen” bứt phá mạnh mẽ
Sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ vào cuối tháng 1, dòng tiền thận trọng khiến VN-Index tiếp tục xu hướng giằng co. Trong thị trường chung lình xình, nhóm cổ phiếu than vẫn ngược dòng bứt phá với mức tăng ấn tượng hàng chục phần trăm, có mã tăng gấp đôi chỉ trong 1 tháng. Tuy nhiên, cổ phiếu ngành than chiếm tỷ trọng khá nhỏ trên thị trường nên dù có “sóng” cũng ít được chú ý.
Dẫn đầu đà tăng là cổ phiếu MDC của Than Mông Dương khi bứt phá mạnh gấp đôi chỉ sau 1 tháng. Sau hàng loạt phiên tăng kịch trần, MDC phi một mạch từ 7.000 đồng lên mức 14.500 đồng/cp. Thanh khoản MDC cũng được kéo từ vài nghìn cổ phiếu lên hàng trăm nghìn đơn vị trong một phiên.
Cổ phiếu TC6 của Than Cọc Sáu cũng nhanh chóng bứt tốc gần gấp đôi sau một tháng để cán mốc 8.900 đồng. Song hành với đà tăng giá, thanh khoản của TC6 này cũng tăng vượt trội từ vài nghìn lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí có phiên khớp lệnh hàng triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu TVD của CTCP Than Vàng Danh cũng không nằm ngoài xu hướng tăng giá. Theo đó, TVD bứt phá 8.600 lên 14.900 đồng, tương ứng mức tăng 73% chỉ sau một tháng.
TDN của Than Đèo Nai cũng là một cái tên sáng giá trong nhóm cổ phiếu “vàng đen” với mức tăng ấn tượng. Cũng tương tự như những mã trên, cổ phiếu này xác lập đà tăng vào đầu tháng 1 và hiện đã tăng 50% lên mức 10.900 đồng/cp.
Bên cạnh đó hàng loạt cổ phiếu than cũng đua nhau bứt phá trong vòng một tháng gần đây, điển hình là TMB (+42%), THT (+41%), NBC (+40%),…
“Tin vui” từ tiêu thụ than tháng đầu năm và KQKD tích cực
Động lực dẫn dắt đà tăng của nhóm cổ phiếu này được cho là đến từ những thông tin tích cực từ sản tiêu thụ than và kết quả kinh doanh tích cực trong quý 4/2022 đã công bố.
Trái ngược với bức tranh kinh doanh ảm đạm trong quý cuối năm trước, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp than có sự khởi sắc rõ rệt nhờ sản lượng than khai thác, tiêu thụ tăng mạnh và Tập đoàn TKV điều chỉnh giá bán than.
“Quán quân” tăng trưởng lợi nhuận trong nhóm các doanh nghiệp than “gọi tên” Than Cọc Sáu (mã TC6) với lợi nhuận tăng trưởng gấp 10 lần cùng kỳ. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 đạt 348 tỷ đồng, tăng vượt trội so với khoản lãi 34 tỷ cùng kỳ năm trước.
Không kém cạnh, Than Mông Dương (mã MDC) cũng ghi nhận mức tăng trưởng đột biến với lợi nhuận sau thuế quý 4 đạt 93 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh ấn tượng này giúp lợi nhuận cả năm 2022 cán mốc 109 tỷ đồng, gấp gần 3 lần mức thực hiện năm 2021.
Cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 154% so với cùng kỳ, Than Cao Sơn (CST) ghi nhận lãi ròng 168 tỷ đồng trong quý 4/2022. Lũy kế cả năm 2022, CST lãi 340 tỷ đồng sau thuế, gấp gần 3 lần so với mức thực hiện năm trước.
Than Vàng Danh (TVD) cũng lọt top những doanh nghiệp có KQKD bứt phá mạnh trong quý 4/2022. Cụ thể, TVD ghi nhận lãi sau thuế tăng gấp đôi lên mức 148 tỷ đồng.
Ngoài ra, Than Hà Tu (THT) và Than Núi Béo (NBC) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng tương ứng 96% và 70%. Than Đèo Nai (TDN) cũng có lãi 37 tỷ đồng tăng mạnh so với con số lỗ 1 tỷ đồng của quý 4/2021.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ than tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ than cho thị trường, đầu năm 2023, các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ than. Tính riêng tháng 1/2023, đã sản xuất 2,6 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 3,8 triệu tấn than.
Năm 2023, Tập đoàn dự kiến sẽ tiêu thụ 46,5 triệu tấn than, trong đó lượng tiêu thụ trong nước là 45,12 triệu tấn và than xuất khẩu 1,38 triệu tấn. Sản xuất 39,18 triệu tấn than, nhập khẩu 9,2 triệu tấn…
Bộ Công Thương cho rằng những tín hiệu tiêu thụ than đầu năm sẽ báo hiệu khởi đầu mùa than mới sẽ sôi động, mở ra nhiều kỳ vọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV nói chung và các doanh nghiệp thành viên trong năm 2023.
Thận trọng với biến động giá than
Có thể thấy, dù kết quả kinh doanh xuất hiện nhiều điểm sáng, song cổ phiếu than vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi giá than thế giới đang trên đà lao dốc. Tính đến ngày 9/2, giá than tương lai ở mức 229 USD/tấn, giảm 4,5% so với ngày hôm trước. Nếu so với hồi đầu năm, giá than đã giảm 42% để quay về mức giá hồi tháng 2 năm trước.
Giới phân tích vẫn cho rằng giá than Việt Nam có “độ trễ” nhất định so với giá thế giới và cơ chế kiểm soát giá khác biệt. Tuy nhiên, giá than thế giới giảm mạnh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến giá than trong nước. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc rủi ro trước khi “đua mua” những cổ phiếu liên quan đến hàng hóa.
Để lại một phản hồi