Đồng nhân dân tệ trượt giá xuống thấp nhất trong 5 tuần

Đồng nhân dân tệ giao ngay mở cửa phiên giao dịch 13/2 ở mức 6,8349 CNY đổi 1 USD. Ảnh: AFP
Đồng nhân dân tệ giao ngay mở cửa phiên giao dịch 13/2 ở mức 6,8349 CNY đổi 1 USD. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu hải quan cho biết xuất khẩu của Hàn Quốc trong 10 ngày đầu tháng 2 chỉ tăng 11,9% so với một năm trước đó. Tuy nhiên, xuất khẩu trung bình mỗi ngày làm việc của nước này lại giảm tới 14,5% sau khi điều chỉnh, nếu so với các thời điểm của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ông Kiyong Seong, chiến lược gia vĩ mô hàng đầu về châu Á tại Tập đoàn dịch vụ tài chính Societe Generale (Pháp), nhận định: “Là một trong những đối tác thương mại của Trung Quốc, dữ liệu xuất khẩu đáng thất vọng của Hàn Quốc càng làm gia tăng lo ngại sự suy giảm chung về các đơn đặt hàng xuất khẩu của châu Á”. “Mối lo ngại như vậy đã đè nặng lên đồng nhân dân tệ, cùng với các loại tiền tệ châu Á khác như đồng won của Hàn Quốc”, ông Kiyong Seong nói thêm.

Đồng nhân dân tệ giao ngay mở cửa ở mức 6,8349 CNY đổi 1 USD và giao dịch ở mức 6,8293 CNY/USD vào giữa ngày, giảm 135 pip so với mức đóng cửa cuối phiên trước và cách tỷ giá trung tâm là 0,21%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) đặt tỷ giá trung tâm ở mức 6,8151 CNY đổi 1 USD trước khi thị trường mở cửa, thấp hơn so với mức cố định trước đó là 6,7884 CNY/USD. Còn tỷ giá giao ngay được phép giao dịch trong ngưỡng 2% trên hoặc dưới tỷ giá ấn định chính thức trong ngày.

Trong khi đó, đồng nhân dân tệ giao dịch hải ngoại trượt giá 0,14% so với tỷ giá giao ngay nội địa, ở mức 6,8389 CNY đổi 1 USD.

Giới đầu tư đang trông đợi kết quả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 14/2, bởi lạm phát tăng mạnh hơn dự báo có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục đẩy lãi suất tăng cao trong thời gian dài hơn.

Theo công bố của phía Trung Quốc vào cuối tuần trước, các khoản vay mới từ ngân hàng trong tháng 1/2023 đã tăng cao hơn dự kiến, lên mức kỷ lục 4.900 tỷ nhân dân tệ (tương đương 720,21 tỷ USD).

Nhu cầu tín dụng phục hồi mạnh mẽ sẽ rất cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 sau khi cuộc khủng hoảng bất động sản đã kéo tăng trưởng của nước này xuống còn 3% trong năm 2022, một trong những thành tích tăng trưởng tồi tệ nhất trong gần nửa thế kỷ.

Tuy nhiên, các phân tích dữ liệu cho vay mới cho thấy nhu cầu vay lẻ ở Trung Quốc vẫn thấp.

“Mặc dù các ngân hàng đã nỗ lực đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng trong tháng 1, nhưng tăng trưởng cho vay tiêu dùng vẫn chậm. Các khoản cho vay thế chấp vẫn thấp trong bối cảnh thị trường nhà ở sụt giảm ảnh hưởng đến tín dụng tiêu dùng”, chuyên gia kinh tế cấp cao Tommy Wu và nhà phân tích ngoại hối Brandon Yu tại Ngân hàng Commerzbank (CHLB Đức), nhận định.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*