Đức tái khởi động sản xuất đạn pháo phòng không cho Ukraine

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt đầu sản xuất đạn dành cho pháo phòng không Gepard tại Rheinmetall. Tôi rất vui vì chúng tôi có thể đảm bảo cung cấp phần quan trọng này của hệ thống phòng không”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Vladimir Pistorius hôm nay cho hay.

Theo tờ Suddeutsche Zeitung, Đức dự định gửi 300.000 quả đạn tới Ukraine, bắt đầu từ tháng 7.

Đức hồi tháng 12 cam kết chuyển giao 7 tổ hợp pháo phòng không tự hành Gepard cho Ukraine, bổ sung cho 30 tổ hợp đã được triển khai trên chiến trường. Những pháo tự hành này không được quân đội Đức sử dụng kể từ năm 2010 và kho dự trữ đạn còn lại rất hạn chế.

Theo Suddeutsche Zeitung, Ukraine đến nay đã nhận được 60.000 quả đạn và một nửa trong số đó đã được sử dụng trong năm 2022.

Pháo tự hành Gepard 1A2 của Đức tháng 1/2008. Ảnh: Wikimedia.

Pháo tự hành Gepard 1A2 của Đức tháng 1/2008. Ảnh: Wikimedia.

Khả năng sản xuất đạn pháo 35 mm cho các tổ hợp Gepard của Đức bị hạn chế và nước này từng đề nghị Thụy Sĩ cho phép chuyển 12.400 quả đạn cho Ukraine. Đạn 35mm đã được các công ty Thụy Sĩ cung cấp cho quân đội Đức cách đây nhiều thập kỷ với điều kiện không được tái xuất khẩu nếu không có sự chấp thuận của Thụy Sĩ. Bern từ chối đề nghị của Berlin với lý do thỏa thuận sẽ làm ảnh hưởng tới tính trung lập của nước này.

Rheinmetall hồi tháng 12 thông báo mở cơ sở sản xuất đạn mới, trong đó có đạn dành cho pháo phòng không Gepard. “Dây chuyền mới sẽ giúp khôi phục năng lực phòng thủ của quân đội Đức và lấp đầy khoảng trống do hỗ trợ Ukraine gây ra”, tập đoàn này cho hay.

Tại cuộc họp ở trụ sở NATO Brussels, Bỉ hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Ukraine có những yêu cầu khẩn cấp về tăng cường viện trợ quân sự, đồng thời tái khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh NATO đã sẵn sàng hỗ trợ Ukraine về lâu dài.

“Quyết tâm chung đó sẽ duy trì động lực của Ukraine trong những tuần tới”, Austin nói tại một cuộc họp của NATO ở Brussels. “Điện Kremlin vẫn đang đánh cược rằng họ có thể đợi đến lúc chúng ta dừng viện trợ”.

Pháo phòng không Flakpanzer Gepard sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực Leopard 1, được phát triển từ những năm 1960 và biên chế vào những năm 1970. Quân đội Đức loại biên mẫu pháo này năm 2010 để chuyển sang biến thể thiết giáp chở quân Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.

Tổ hợp Gepard được trang bị hai pháo tự động Oerlikon GDF 35 mm, mỗi khẩu có 320 viên đạn phòng không và 20 viên đạn chống tăng, cùng hai cụm 4 ống phóng lựu đạn khói 76 mm. Pháo có kíp lái ba người, có thể di chuyển với tốc độ tối đa 65 km/h, tầm hoạt động 550 km.

Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: WP.

Cục diện chiến sự Nga – Ukraine. Đồ họa: WP.

Huyền Lê (Theo Reuters, BBN)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*