Người New Zealand vật lộn trong trận bão lớn nhất thế kỷ

Leonard Fleming đã phải sơ tán khỏi căn nhà ở Eskdale khi bão Gabrielle đổ bộ Đảo Bắc, một trong hai đảo chính của New Zealand hồi đầu tuần.

“Nhà tôi giờ chắc đã thành đống gạch vụn”, Fleming nói với Guardian qua sóng điện thoại chập chờn. “Tất cả những gì có thể làm là tháo chạy và giờ đây tôi bắt đầu nghĩ về những thứ đã mất”.

Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins ngày 14/2 ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước sức tàn phá chưa từng thấy của cơn bão, mô tả đây là “sự kiện thời tiết tồi tệ nhất mà đất nước chứng kiến trong thế kỷ này”.

Trên đường đi, bão Gabrielle gây ra những trận lở đất nghiêm trọng, chôn vùi nhiều nhà cửa trong bùn, phù sa và rác rưởi. Nhiều tuyến đường ở Đảo Bắc, trong đó có tuyến huyết mạch nối thủ đô Wellington đến thành phố Auckland bị tê liệt. Nước lũ dâng nhanh đến mức hàng trăm người phải leo lên mái nhà chờ giải cứu.

Nhiều vùng mất điện, nước và sóng điện thoại trên diện rộng. Các thị trấn hẻo lánh ở vùng nông thôn là những khu vực hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sóng điện thoại thiếu ổn định và các tuyến đường bị nước lũ phá hủy khiến nỗ lực đánh giá quy mô tàn phá của cơn bão trở nên khó khăn.

Cảnh sát cho biết ít nhất 4 người đã thiệt mạng trong trận bão. Giới chức vẫn chưa liên lạc được với hơn 1.400 người.

Một khu dân cư ở vùng Vịnh Hawkes ngập trong nước, ngày 15/2. Ảnh: AFP.

Một khu dân cư ở vùng Vịnh Hawkes ngập trong nước, ngày 15/2. Ảnh: AFP.

Nước lũ từ sông Esk phía trước nhà Fleming đã tràn bờ ngày 14/2, rồi nhanh chóng nhấn chìm những ngôi nhà xung quanh. Ông giờ đây mắc kẹt ở nơi sơ tán, không thể về nhà hoặc đến thành phố Hastings lân cận để ở với con trai, bởi hệ thống cầu đường đã tê liệt vì nước lũ và cây đổ.

Xe tải, trực thăng quân đội được điều động để giải cứu hàng trăm người trên mái nhà tại vùng Vịnh Hawke, New Zealand. Trước khi cơn bão đổ bộ, người dân ở một số khu vực đã được cảnh báo nên chuẩn bị sơ tán, nhưng họ vẫn bị sốc khi nước lũ lên quá nhanh.

Jenna Marsh, sống tại trung tâm Vịnh Hawke, cho biết tại nhà cha mẹ cô ở thị trấn Pakowhai, nước dâng cao hàng mét chỉ trong vài phút.

“Sáng hôm đó, mẹ tôi cho biết mọi thứ đều ổn và bà vẫn cho đàn ngựa ăn”, Marsh kể. “Nhưng chưa đầy một giờ sau, bà ấy nhắn tin nói rằng đang ở trên mái nhà, khi nước dâng ba mét trong 10 phút”.

Cha mẹ cô đã phải ngồi trên mái nhà 8 tiếng trước khi được trực thăng giải cứu, không mang theo gì ngoài hai con chó cưng.

Lực lượng Phòng vệ New Zealand giải cứu một nạn nhân kẹt trên mái nhà trong nước lũ ở Thung lũng Esk, gần thành phố Napier của Đảo Bắc, ngày 14/2. Ảnh: AFP.

Lực lượng Phòng vệ New Zealand giải cứu một nạn nhân kẹt trên mái nhà trong nước lũ ở Thung lũng Esk, gần thành phố Napier của Đảo Bắc, ngày 14/2. Ảnh: AFP.

Tại bán đảo Coromandel ở phía bắc, tình trạng cắt điện diện rộng khiến cư dân các khu vực ven biển bị cô lập với thế giới bên ngoài. Họ lo rằng sẽ cạn thực phẩm nếu các tuyến đường đến bán đảo không thể nhanh chóng mở cửa trở lại.

Claire Moyes cùng chồng và những người khách đến thăm đã phải trải qua hai đêm kinh hoàng với “sấm sét và gió giật ngay trên đầu”, trong nỗi sợ dòng nước sẽ cuốn trôi ngôi nhà. “Nước dâng ngập gara khi thủy triều lên”, Moyes nói.

Người dân khu vực ven biển này sống phụ thuộc vào du lịch. Moyes cho biết một vụ lở đất đã xảy ra tại Nhà thờ Cove, một điểm du lịch nổi tiếng nhất bán đảo. “Nhưng vào lúc này, chúng tôi chỉ nghĩ chuyện sinh tồn, làm cách nào để tìm nhu yếu phẩm và sống sót trong vài ngày tới”, cô cho hay.

Đức Trung (Theo Guardian)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*