“Sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn 15 năm qua, chưa bao giờ tôi chứng kiến một thảm kịch kinh hoàng đến thế. Tôi chỉ cầu nguyện tuyết ngừng rơi, để những nạn nhân và lực lượng cứu hộ bớt đi phần nào khổ đau”, Kiều Hạnh, người Việt sống tại Istanbul, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ, nói với VnExpress về trận động đất tàn phá khu vực rộng lớn ở miền nam nước này hôm 6/2.
Thổ Nhĩ Kỳ tới nay đã ghi nhận gần 13.000 người chết do động đất, trong khi số người tử vong ở nước láng giềng Syria đã tăng lên hơn 3.000. Hàng chục nghìn người rơi vào cảnh mất nhà cửa, đói rét giữa mùa đông lạnh giá.
“Mình ở trong nhà bật máy sưởi còn thấy lạnh, huống chi là họ. Tôi nghĩ ai cũng đau xót khi nhìn những hình ảnh đau thương như vậy”, Hạnh nói.
Đó cũng là lúc cộng đồng người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ phát huy tinh thần nhân đạo, tìm kiếm các đồng hương có thể gặp nạn, đồng thời tham gia nỗ lực quyên góp, hỗ trợ các nạn nhân sở tại.
Hạnh cùng các thành viên trong ban liên lạc hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách liên hệ, xác minh các trường hợp đồng hương có mặt trong vùng thảm họa. Nỗ lực liên lạc gặp nhiều khó khăn, khi hạ tầng Internet và điện thoại ở các tỉnh xảy ra động đất bị hư hại đáng kể.
Ông Đoàn Thế Hợp, đại diện Hội người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết hiện có khoảng 200-300 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước này, nhưng không nhiều người Việt có mặt tại 10 tỉnh hứng chịu động đất. Hội đến nay chưa ghi nhận thông tin nào về người Việt gặp nạn, song vẫn còn một số trường hợp chưa thể liên lạc trực tiếp.
Trong họp báo chiều 9/2, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết chưa có thông tin về công dân Việt Nam thương vong trong trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân nếu cần thiết.
Song song với nỗ lực bắt liên lạc với các đồng hương, Dương Nam Phương, 34 tuổi, người điều phối một trang cộng đồng người Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, đã đứng ra phát động quyên góp cứu trợ tại thành phố Istanbul nơi anh sống và làm việc.
“Tôi làm theo truyền thống tương thân tương ái của Việt Nam. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nước giàu lòng nhân ái tương tự với văn hóa châu Á”, anh nói. Vợ anh Phương là người Thổ Nhĩ Kỳ và mảnh đất này đã trở thành quê hương thứ hai của anh.
Nhóm của anh Phương đã liên lạc với bạn bè trong cộng đồng Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi thu gom quần áo và nhu yếu phẩm, trong đó có khoảng 700 bộ quần áo trẻ em, để hỗ trợ người dân nước sở tại tại vùng thiên tai.
Chính quyền thành phố Istanbul đã lập nhiều điểm tập kết hàng cứu trợ, sau đó chuyển đến các khu vực bị ảnh hưởng. Các gia đình Việt sau khi quyên góp sẽ hẹn nhau ở một điểm để bàn giao hàng cứu trợ cho chính quyền địa phương.
“Các khoản quyên góp, hỗ trợ được cộng đồng người Việt gửi tới vùng thiên tai dù ít hay nhiều đều là nghĩa cử đáng trân quý, giữa lúc mảnh đất này đang trải qua thử thách to lớn”, Kiều Hạnh nói.
Người dân tại thành phố Istanbul những ngày qua cũng bất chấp thời tiết giá lạnh xếp hàng quyên góp quần áo ấm, lương thực, nhu yếu phẩm đến các vùng thiên tai. Đây là tinh thần đoàn kết “đáng ngưỡng mộ” của người dân nước này để vượt qua khó khăn, theo Trúc Ly, người Việt sống và làm việc tại Istanbul hơn một năm.
Kiều Hạnh tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hồi phục mạnh mẽ như kỳ tích họ từng làm sau trận động đất Izmit năm 1999, thảm họa cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người. Sau gần hai thập niên sống tại Thổ Nhĩ Kỳ, chị nhận thấy người dân nơi đây rất chăm chỉ và có tác phong làm việc khoa học, ý chí kiên cường vượt khó.
“Đây không phải thảm kịch đầu tiên mà vùng đất này phải gánh chịu, bởi động đất thường xuyên diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ luôn khắc phục thiệt hại rất nhanh”, chị Hạnh bày tỏ. “Thổ Nhĩ Kỳ luôn bước ra từ tang thương với tinh thần cố gắng không ngừng và tôi tin rằng lần này cũng không phải ngoại lệ”.
Thanh Danh – Đức Trung
Để lại một phản hồi