Giá khởi điểm cao hơn giá trị sổ sách
HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố nghị quyết thông qua phương án thoái toàn bộ 40% vốn đầu tư tại PGBank theo hình thức đấu giá công khai qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo công bố này, mức giá khởi điểm thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) đầu tư sẽ lấy giá cao nhất theo giá xác định của tổ chức có chức năng thẩm định giá theo phương pháp tài sản (21.300 đồng/cổ phần) hoặc giá tham chiếu bình quân 30 phiên giao dịch liên tiếp của cổ phiếu PGBank trên sàn UpCom trước ngày phê duyệt phương án thoái vốn (chuyển nhượng vốn). Với biến động giá cổ phiếu PGBank trên thị trường trong nửa năm trở lại đây, nhiều khả năng mức giá 21.300 đồng/cổ phần sẽ là giá khởi điểm của đợt đấu giá này.
Như vậy, sau khi được Ngân hàng Nhà nước thông qua phương án thoái vốn vào tháng 7/2022, nghị quyết HĐQT của Petrolimex mới đây tiếp tục cho thấy những tiến triển trong lộ trình thoái vốn tại PGBank sau nhiều năm lên kế hoạch nhưng chưa được hoàn tất.
Tạm tính theo mức giá 21.300 đồng/cổ phần, cao hơn khoảng 40% so với giá trị sổ sách ghi nhận theo báo cáo tài chính của ngân hàng đến cuối năm 2022, quy mô thoái vốn của Petrolimex tại PGBank đợt này sẽ có giá trị tối thiểu 2.556 tỷ đồng. Nếu thoái vốn thành công sẽ đem về cho Petrolimex khoản lợi nhuận tối thiểu 722 tỷ đồng, so sánh với giá trị đầu tư mà Petrolimex đang ghi nhận đến ngày 31/12/2022 theo báo cáo tài chính quý IV/2022 tự lập của Tập đoàn.
Lợi nhuận của PGBank tăng trưởng tốt
PGBank hiện có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, trong đó Petrolimex là cổ đông lớn nhất, với 40,57% vốn tại ngân hàng. Với định hướng thoái toàn bộ, triển vọng thoái vốn của Petrolimex tại PGBank được đánh giá là rất khả quan trong bối cảnh việc xin cấp phép thành lập ngân hàng mới gần như là bất khả thi. Đa phần ngân hàng trên thị trường đều đã có nhóm cổ đông chi phối khiến việc bán vốn của Petrolimex tại PGBank trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài khi tỷ lệ sở hữu của họ tại PGBank hiện không đáng kể. Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tới gần 30% vốn của ngân hàng, tương ứng 3/4 số cổ phần Petrolimex chuẩn bị đấu giá tới đây.
Kết thúc năm 2022, báo cáo tài chính tự lập của PGBank cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng tốt, với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 505,7 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2021, vượt 24% kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PGBank đạt 48.991 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2021, tín dụng tăng 5,6%, huy động vốn tăng hơn 11%. Giá trị trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phát hành mà PGBank nắm giữ đến cuối năm 2022 là 951,9 tỷ đồng, tăng 34% so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, đã 10 năm liên tiếp trở lại đây PGBank không chia cổ tức, không tăng vốn, mà một trong những nguyên nhân được đánh giá đến từ các cuộc đàm phán sáp nhập kéo dài suốt từ năm 2014, nên ngân hàng không thể mở rộng quy mô do ảnh hưởng tới việc định giá.
Ban tổng giám đốc PGBank cho biết, việc sáp nhập kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của PGBank, quy mô tổng tài sản, huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng thấp và không đạt kế hoạch đề ra. Ngân hàng Nhà nước không cấp phép mở rộng mạng lưới trong quá trình sáp nhập, nhân sự nghỉ việc do thông tin sáp nhập, các ngân hàng, đối tác khác giảm giao dịch.
Rõ ràng, việc chậm hoàn tất đề án cơ cấu đã hạn chế đáng kể sự phát triển và sức cạnh tranh của PGBank trong giai đoạn thuận lợi nhờ nền kinh tế tăng trưởng tốt vừa qua, trong khi nhiều nhà băng khác liên tục mở rộng về quy mô tài sản, nguồn vốn, mạng lưới giao dịch. Với kỳ vọng việc thoái vốn của Petrolimex sớm hoàn tất, PGBank sẽ ổn định cơ cấu sở hữu để mở ra giai đoạn phát triển mới, mà trước tiên là việc tăng vốn điều lệ.
Tính đến cuối năm 2022, PGBank đã tích lũy được khoản lợi nhuận chưa phân phối lên đến 1.267,7 tỷ đồng, tương ứng 42,2% vốn điều lệ. Như vậy, sau khi việc thoái vốn của Petrolimex hoàn tất, PGBank có dư địa để có thể nhanh chóng chia cổ tức tăng vốn điều lệ, thoát khỏi vị thế là một trong các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống hiện nay.
Để lại một phản hồi