Phú Yên đầu tư 241 tỷ đồng cho 1 km đường ven biển

Ngày 16/2, HĐND tỉnh Phú Yên vừa thông qua chủ trương đầu tưDự án Tuyến đường bộ ven biển tỉnh Phú Yên, đoạn kết nối huyện Tuy An – TP. Tuy Hòa.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Phú Yên, Dự án này thuộc dự án nhóm A; điểm đầu từ đường dẫn phía Bắc cầu An Hải thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An; điểm cuối tại Trung tâm An điều dưỡng Tàu ngầm Hải Quân, xã An Phú, TP. Tuy Hòa.

Đáng chú ý, Dự án này tổng chiều dài khoảng 14,2 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.428 tỷ đồng. Như vậy, chi phí để đầu tư tuyến đường ven biển của tỉnh Phú Yên là 241 tỷ đồng/1 km.

Trong khi đó, tỉnh lân cận là Bình Định, vừa khánh thành đường ven biển dài hơn 115 km , tổng chi phí 9.000 tỷ đồng ( trong đó có tận dụng lại Quốc lộ 1D khoảng 16 km thì chi phí đầu tư vẫn chưa đến 100 tỷ đồng/1 km).

Lý giải vì sao tỉnh Phú Yên có chi phí làm đường ven biển 1 km cao đến vậy, ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh này đề cập là tuyến đường ven biển tại tỉnh Bình Định có quy mô nhỏ hơn.

Đồng thời, quy mô tuyến đường ven biển quốc gia, các đoạn theo quy hoạch của Thủ tướng (Quy hoạch 1454) quy hoạch đi trùng quốc lộ, cao tốc của Bộ Giao thông – Vận tải thì Bộ đã quy hoạch, các phần tuyến đi không trùng quy hoạch thì được xác định ở quy hoạch tỉnh.

Theo ông Đông, tỉnh Phú Yên quy hoạch đường ven biển là trục chính đô thị thứ yếu, có bề rộng 42 m; khác với tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định bề rộng từ 12, 15 rộng nhất là 20 m, nên chỉ bằng 1/2, có đoạn chỉ bằng 1/3 tuyến đường của Phú Yên. Ngoài ra, tuyến đường ven biển của tỉnh Phú Yên có quy mô 6 làn xe và chừa dải phân cách giữa rộng 11m.

Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Phú Yên lý giải thêm, tỉnh đã nghiên cứu tầm nhìn đến năm 2050, sau này lưu lượng giao thông nhiều hơn, các khu du lịch, khu đô thị ven biển phát triển lớn hơn thì có thể xây dựng đường sắt đô thị ở chính giữa dải phân cách rộng 11m này.

Ngoài ra, tuyến đường ven biển tỉnh Phú Yên sắp tới có xây dựng 2 cầu, với chiều rộng 42 m thì chi phí đầu tư 2 cầu khoảng 300 tỷ đồng. Tiền giải phóng mặt bằng của Dự án ước tính 1.000 tỷ đồng.

Ngoài những lý do trên, ông Đông còn cho biết là do dự phòng trượt giá trong 5 năm (từ năm 2023-2027); theo quy định của Nhà nước thì tính dự phòng phát sinh khối lượng là 5% cộng với dự phòng trượt giá do lạm phát theo từng năm thì ra dự phòng chi. Một lý do nữa, đường ven biển của tỉnh Phú Yên được làm ở nền địa chất yếu nên phải xử lý nền đất.

“Do đây mới là bước nghiên cứu tiền khả thi. Dự án tuyến đường ven biển Phú Yên thuộc dự án nhóm A nên khi lập chủ trương đầu tư phải lập qua bước nghiên cứu tiền khả thi, trong khi dự án nhóm B chỉ cần lập chủ trương đầu tư. Để đến khi ra con số chính xác (vốn đầu tư – PV) thì còn qua bước nghiên cứu khả thi dự án trước khi phê duyêt, rồi mới đến bước thiết kế bản vẽ thi công, xong mới triển khai thi công. Do vậy còn 2 bước nữa, nên con số vốn đầu tư trên mới là ước tính”, ông Đông cho biết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*