Sợ hãi và tâm lý FOMO: Lý do khiến Google vội vàng ra mắt chatbot Bard đấu lại ChatGPT, nguy cơ sẽ phải trả giá đắt

Nước đi sai lầm có thể khiến Google trả giá đắt:

Theo hãng tin CNBC, cổ phiếu của Google trong phiên 8/2 đã giảm 7% sau khi hãng này tổ chức sự kiện ra mắt chatbot dùng trí thông minh nhân tạo (AI) mang tên Bard để đối đầu lại ChatGPT của nhà Microsoft.

Tờ Business Insider nhận định đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy nhà đầu tư không tin tưởng vào Google khi CEO Sundar Pichai có lựa chọn sai lầm, để chậm chân hơn Microsoft trong mảng này để rồi sợ hãi và làm ra Bard vì tâm lý FOMO.

FOMO là từ viết tắt của cụm từ “Fear of missing out”. Đây là hiệu ứng tâm lý của cá nhân hay tổ chức sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông.

Trái với ChatGPT đạt 100 triệu người dùng trong tháng trước, chatbot Bard của Google chỉ mới là bản dùng thử và thậm chí còn chưa được công khai cho tất cả người dùng.

Nước đi tồi?

Theo BI, Google đang ở trong trạng thái vô cùng khó xử.

Chatbot ChatGPT của nhà Microsoft được ra mắt trước và dù còn nhiều lỗi nhưng đã gây được tiếng vang lớn với 100 triệu người dùng. Hãng đã ra mắt phiên bản thu phí, kết hợp công nghệ AI vào Bing, công cụ tìm kiếm đối thủ của Google.

Trong khi đó, Google chưa hề có một công nghệ gì tạo nên cuộc cách mạng cho công cụ tìm kiếm của mình suốt nhiều năm qua dù đây là mảng kiếm tiền chính.

Thế rồi khi ChatGPT ra mắt với AI và được đánh giá là sẽ tạo nên cuộc cách mạng mới cho mảng công cụ tìm kiếm, Google bắt đầu sợ hãi.

“Mặc dù Bing chỉ chiếm 9% thị phần tìm kiếm trực tuyến nhưng công nghệ của ChatGPT và những thuật toán đi kèm sẽ giúp Microsoft làm xói mòn nền tảng của Google”, chuyên gia phân tích Dan Ives của Wedbush nhấn mạnh.

Như một hệ quả tất yếu, Google mắc phải tâm lý FOMO và vội vàng cho ra mắt Bard dù chatbot này chưa thực sự sẵn sàng. Động thái này diễn ra ngay trước khi Microsoft tổ chức sự kiện Bing tích hợp AI.

 Sợ hãi và tâm lý FOMO: Lý do khiến Google vội vàng ra mắt chatbot Bard đấu lại ChatGPT, nguy cơ sẽ phải trả giá đắt - Ảnh 1.

Trên thực tế, Google không muốn vội vã dù họ cũng đang phát triển AI. Với vị thế lớn trên thị trường, một sản phẩm lỗi cũng có thể gây ảnh hưởng lớn, nhất là với công nghệ có khả năng tương tác cao như chatbot AI.

Tờ BI cho biết Google rất dễ gây nên những cuộc điều tra về phân biệt chủng tộc, giới tính, tạo sự thù ghét bằng một sản phẩm mà họ kỳ vọng sẽ mang tính đột phá. Bởi vậy thận trọng là điều dễ hiểu, nhưng khi Microsoft đi trước và thành công thì quyết định này của Google lại hóa dở.

ChatGPT của Microsoft với ưu thế dẫn đầu đã cho mọi người một trải nghiệm thú vị về cách AI có thể làm thay đổi cuộc sống thế nào, khiến mọi người bất ngờ lẫn khiếp sợ về những khả năng tiềm ẩn vô hạn của nó.

Trong khi đó, Bard của Google chỉ là sản phẩm ra sau với nhiều lỗi chẳng kém, có ít người dùng hơn và cũng chỉ được dùng thử nghiệm. Tập đoàn này lâm vào tình cảnh chẳng phải sản phẩm đi tiên phong, cũng không phải thứ gì đó thực sự hoàn hảo và vẫn có thể gây kiện cáo vì những lỗi phân biệt chủng tộc trong chatbot.

Hiện vẫn chưa rõ liệu Google có xây dựng được một sản phẩm đi sau nhưng về trước như Apple đã từng làm với smartphone hay không. Tuy nhiên với tiềm lực ngang nhau và vô số ông lớn làng công nghệ cũng đổ xô vào mảng này, Google có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn để duy trì vị thế của mình chỉ vì một nước đi do dự sai lầm.

*Nguồn: BI

Microsoft ‘hút’ được bao nhiêu tiền từ Google nhờ ChatGPT?

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*