Đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội |
Thưa ông, dù mới chỉ là đề xuất chứ chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, nhưng việc xây dựng Luật Thuế bất động sản (dự kiến thông qua năm 2025) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Trong bối cảnh Quốc hội đang tập trung sửa đổi Luật Đất đai, trong đó có tài chính về đất đai, theo ông, đề xuất này có phù hợp?
Thực tế hiện nay cho thấy, tình trạng sốt nhà, đất do đầu cơ diễn ra ngày càng phức tạp. Nhiều người “ôm” nhà, đất để chờ tăng giá rồi bán, hiện tượng phân lô, bán nền nở rộ ở nhiều địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Việc người dân đổ xô đi buôn, đầu cơ nhà, đất dẫn đến giá nhà, giá đất tăng cao một cách vô lý, xuất hiện một bộ phận người giàu lên nhờ nhà đất, nhưng phần đông người dân lao động, người thu nhập thấp không có nhà để ở. Đó là một thực tế nhức nhối, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất bình đẳng cho xã hội.
Trước tình trạng đó, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, nhấn mạnh cần có quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất… cũng như có chính sách ưu đãi thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư.
Ngày 14/7/2022, tại Hội nghị Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản, hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản và chống thất thoát nguồn thu của Nhà nước.
Theo tôi, từ thực trạng bất ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường bất động, Đảng đã có chủ trương rõ ràng, thì Chính phủ, Quốc hội cần kịp thời thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đề xuất thuế nhà và tài sản.
Tại dự kiến xây dựng Luật Thuế bất động sản, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế đối với đất (bao gồm đất ở riêng lẻ, đất sản xuất – kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác thuộc đối tượng chịu thuế). Đồng thời, quy định ngưỡng chịu thuế cao hơn với căn hộ có mức giá trên 50 triệu đồng/m2. Có ý kiến cho rằng, nếu tăng thuế, thì nhiều doanh nghiệp bất động sản “chết” sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành có liên quan, bởi bất động sản là ngành kinh tế tổng hợp. Quan điểm của ông thế nào?
Rõ ràng, mức thuế liên quan đến nhà đất ở Việt Nam hiện quá thấp, chỉ 0,03%, trong khi ở các quốc gia khác, thông thường khoảng 1 – 1,5%. Chúng ta cần nghiên cứu tăng thuế nhà và tài sản theo xu hướng các nước đang làm với lộ trình phù hợp, áp dụng đúng đối tượng sẽ giúp ngân sách có được nguồn thu lớn hơn và bền vững hơn.
Tuy nhiên, để thực hiện đúng chủ trương, tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, cần đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất, không phải là tăng thuế bất động sản, mà là sửa đổi, điều chỉnh. Nghĩa là, thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà, đất, đặc biệt là nhà đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng; đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và căn nhà có giá trị cao là tài sản đầu cơ, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những chính sách thuế này sẽ góp phần từng bước giảm hiện tượng sốt nhà đất và giúp giá nhà, đất bình ổn lại.
Theo đó, dự thảo Luật Thuế bất động sản cần quy định rõ, phân loại cụ thể, định nghĩa đầy đủ như thế nào là đầu cơ bất động sản, không phải đầu cơ bất động sản. Trong thực tế hiện nay, đa số giới đầu cơ vẫn nhờ người khác đứng tên trong sổ nhà đất, dòng tiền chưa minh bạch, nên rất khó xác định bất động sản chính chủ để đánh thuế. Do vậy, cơ quan soạn thảo phải đặc biệt lưu ý quy định nội dung này đảm bảo tường minh, làm cơ sở xây dựng quy định đánh thuế đúng đối tượng đầu cơ bất động sản, có như vậy, luật mới có tính khả thi và tạo được sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là đối tượng chịu thuế.
Bên cạnh chống đầu cơ, theo ông, Luật Thuế bất động sản còn cần chú ý những vấn đề gì?
Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh là, Luật Thuế bất động sản còn phải hướng đến một mục đích rất quan trọng là khuyến khích xây dựng nhà ở để hạn chế đất bỏ hoang phí tại các khu đô thị mới theo quy hoạch đã được duyệt, để tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và có giao dịch chuyển nhượng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…
Do vậy, khi được đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật Thuế bất động sản cần phải hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân để thiết kế chính sách một cách hợp lý nhất. Làm sao để khi Luật có hiệu lực không làm tăng gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn góp phần đưa đất đai thành động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Để lại một phản hồi