“Việc tịch thu tài sản tư nhân bị đóng băng là không phù hợp với hiến pháp cũng như quy định pháp lý hiện hành, đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế của Thụy Sĩ”, chính phủ Thụy Sĩ ra tuyên bố hôm nay.
Chính phủ Thụy Sĩ trước đó đề nghị Bộ Tư pháp đánh giá tính hợp pháp của các đề xuất từ quốc tế về việc tịch thu tài sản Nga và dùng chúng giúp tái thiết Ukraine.
Thụy Sĩ, đất nước có truyền thống trung lập, đã đóng băng hàng tỷ USD tài sản Nga để tuân thủ lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với quốc gia này.
Các chuyên gia pháp lý phân biệt rõ ràng giữa tài sản tư nhân bị chính phủ phương Tây đóng băng, như du thuyền của các nhà tài phiệt Nga, và tài sản nhà nước, như dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Với tài sản tư nhân, những biện pháp bảo vệ pháp lý khiến các quốc gia phương Tây chỉ được phép tịch thu chúng vĩnh viễn trong trường hợp rất hạn chế, thường là khi chúng được chứng minh là tài sản do phạm tội mà có.
Thụy Sĩ cho biết họ đang tham gia các cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề tịch thu tiền dự trữ của ngân hàng trung ương Nga cùng các tài sản nhà nước khác. “Chúng tôi cũng đang xem xét việc đưa ra các hình phạt cứng rắn hơn với những bên vi phạm lệnh trừng phạt Nga. Thụy Sĩ đang theo sát các đề xuất này và nêu quan điểm trong các cuộc thảo luận”, Bern cho biết thêm.
Ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã áp loạt biện pháp trừng phạt chưa từng thấy nhắm vào kinh tế Nga và đóng băng khoảng 350 tỷ USD dự trữ ngoại hối cũng như tài sản của giới tài phiệt nước này.
Phương Tây đề xuất dùng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine, song quyết định này phải đối mặt các vấn đề nhân quyền và thách thức pháp lý cơ bản, như quyền sở hữu tài sản hay quyền được bảo vệ khỏi bị trừng phạt tùy tiện.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Để lại một phản hồi