Những ngày này, bên ngoài trụ sở chính của Twitter ở San Francisco, Mỹ, một số nhân viên Tesla đang phải làm việc tại đây theo lệnh của Elon Musk thường nhắc đi nhắc lại 1 điệp khúc: “ Tình hình tồi tệ hơn cả năm 2018 ”.
Ai cũng biết, cột mốc 2018 được nhắc đến kể trên vốn là giai thoại nổi tiếng trong lịch sử của Tesla. Đó là năm mà sau này Elon Musk đã nhiều lần gọi là “khủng khiếp”, “khó khăn và đau đớn nhất” trong toàn bộ sự nghiệp của mình. Khi ấy, Tesla đang trên bờ vực phá sản, đang vật lộn tìm mọi cách để tăng sản lượng. Chưa dừng lại ở đó, dòng tweet của Musk về việc tư nhân hóa công ty đã khởi xướng một cuộc điều tra của SEC và một vụ kiện liên quan mà đến tận năm nay (tức 2023) mới kết thúc.
Hiện tại, theo 3 người trong nội bộ công ty, tình hình và tâm trạng tại Twitter – công ty mà Musk đã trả 44 tỷ USD để thâu tóm vào cuối tháng 10 năm ngoái đang gợi nhắc đến thời kỳ khó khăn tại Tesla. “Những người làm việc với Musk tại Tesla vào thời điểm năm 2018 hiện nay nói rằng họ chưa bao giờ thấy ông ấy tệ đến thế. Rõ ràng ông ấy rất căng thẳng”. Tuy nhiên, một người khác tiếp tục hé lộ rằng “không có cuộc nói chuyện nào” về một CEO mới sẽ thay thế Musk.
Có một số điểm tương đồng giữa Musk tại Tesla thời điểm 2018 và Twitter bây giờ. Ông thường ngủ lại văn phòng Twitter ở San Francisco. Ông cũng công khai bỏ ngỏ khả năng công ty phá sản. Ông ấy làm việc rất nhiều giờ và yêu cầu những người muốn ở lại Twitter cũng phải làm như vậy.
Nhiều kỹ sư liên tục phải kéo dài tới 80 giờ làm việc một tuần và thường xuyên “thức trắng đêm” để giữ cho trang web hoạt động và theo kịp yêu cầu của Musk. Musk sẽ nhanh chóng tức giận và sa thải mọi người, phong cách vốn đã gắn liền với ông trong suốt nhiều năm. Musk cũng đã đề cập đến “nỗi đau” trong ba tháng với tư cách là chủ sở hữu của Twitter.
Điểm khác biệt giữa 2 thời điểm có lẽ là nỗi ám ảnh về lòng trung thành của Musk. Ông nổi tiếng là hay “nổi cơn thịnh nộ” với những người mà ông cho là không làm việc đủ chăm chỉ hoặc những người đặt câu hỏi với những yêu cầu của mình. Tại Twitter, nhân viên vẫn bị sa thải khi có dấu hiệu nhỏ nhất về bất đồng quan điểm chính trị hoặc cá nhân, ngay cả khi điều đó dựa trên nghiên cứu nội bộ, như đã xảy ra với một kỹ sư chính vào tuần trước.
Câu thần chú của Musk dành cho nhân viên Twitter được cho là “Cẩn trọng, xuất sắc và trung thành”. Vì đó là mẫu người duy nhất ông muốn có ở công ty. Quy định về vấn đề làm việc liên tục đã khiến số lượng kỹ sư tổng thể của Twitter giảm xuống còn khoảng 500 người, từ khoảng 600 vào cuối năm ngoái và vài nghìn trước khi Musk tiếp quản.
Số lượng kỹ sư chính, một chức danh thường đạt được sau nhiều năm kinh nghiệm tại một công ty, đã giảm từ ít nhất 30 xuống chỉ còn 1. Tổng số nhân viên hiện được cho là khoảng 2.000 người và có khả năng sẽ giảm hơn nữa khi các văn phòng tiếp tục đóng cửa và các đợt sa thải gián đoạn diễn ra. Trang web của Twitter đã trở nên rối mắt và không đáng tin cậy, với một sự cố nghiêm trọng vào tuần trước khiến tất cả các chức năng cốt lõi ngừng hoạt động trong vài giờ.
Khi Musk ở xung quanh và đi dạo trong văn phòng của Twitter, ông thường hỏi mọi người một cách ngẫu nhiên về những gì họ đang làm. Đó giống như bài test sa thải. “Bạn phải tìm ra cách trả lời câu hỏi để không khiến mình bị sa thải”, một người tiết lộ.
Một nhân viên đã “thoát chết” trong gang tấc. Trong một cuộc họp gần đây về những thay đổi sản phẩm đang diễn ra, Musk đã hỏi về tình trạng của một thay đổi được đề xuất. Một người quản lý dự án vừa bắt đầu trả lời thì bị dừng lại vì Musk trở nên tức giận, ông hỏi “Ai cho phép anh nói?”. Sau đó, ông “cấm” tất cả các quản lý dự án phát biểu trong các cuộc họp. Một người tại Twitter than thở: “Ông ấy hoàn toàn mất trí rồi”.
Nguồn tin nói với tờ BusinessInsider rằng tâm trạng chung của Musk tại Twitter dường như bắt đầu xấu đi vào cuối năm ngoái. Các vấn đề với nền tảng, khiếu nại của nhà đầu tư và chi phí thì cứ tiếp tục chồng chất.
Một nguồn tin cho biết ông “không ngừng quan tâm đến việc nền kinh tế đang trở nên tồi tệ hơn”, thường xuyên đưa vấn đề này vào các cuộc họp và cuộc trò chuyện. Trong một cuộc họp lập kế hoạch vài tuần trước, ông đã đề xuất một số cách để cắt giảm chi phí tại Twitter khiến một số người trong cuộc họp cho là “điên rồ” như: Biến toàn bộ Twitter thành sản phẩm đăng ký, bán tên người dùng hoặc giới hạn dịch vụ chỉ dành cho người dùng ở Mỹ và Nhật Bản, vì đó là nơi Twitter phổ biến nhất.
Mặc dù không có đề xuất nào trong số này được thực hiện, nhưng có rất nhiều cắt giảm lớn khác, từ các tính năng bị loại bỏ cho đến việc trung tâm dữ liệu lớn bị đóng cửa đột ngột vào dịp Giáng sinh. Động thái thứ hai dường như là nguyên nhân khiến Benham Rezaei, người đang lãnh đạo toàn bộ bộ phận kỹ thuật dưới quyền của Musk, đột ngột từ chức vào đầu tháng 1.
Các nhân viên còn lại của Twitter biết rằng mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Trong những ngày đầu khi Musk tiếp quản, ông muốn có nhiều công cụ dành cho người sáng tạo hơn trên trang và muốn tập trung hơn vào video, vì vậy mọi người tranh nhau giới thiệu chúng và thành lập các nhóm để hoàn thành công việc. Hiện tại không có công cụ nào trong số đó đang hoạt động.
Thay vào đó, Musk đang yêu cầu những thay đổi có vẻ sẽ mang lại lợi nhuận cho Twitter. Bản sửa lỗi mới nhất về số liệu tương tác của riêng ông hoặc bộ đếm lượt xem hiện hiển thị trên Twitter, được cho là một phần trong số đó vì hiển thị mức độ tương tác tăng lên là cách Twitter có thể tính phí nhiều hơn cho quảng cáo. Theo Platformer, Musk liên tục sử dụng tài khoản của chính mình như một trường hợp thử nghiệm, thậm chí buộc các kỹ sư trong tuần này phải tăng khả năng hiển thị các tweet của ông.
Một nhân viên nói: “Ông ấy thực sự chỉ muốn được mọi người nói về mình”.
Nguồn: BusinessInsider
Để lại một phản hồi