4 điểm khác biệt của khủng hoảng ngân hàng hiện tại so với giai đoạn 2008 – 2009

Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, Signature Bank và nhiều nhà băng khác trong tình trạng căng thẳng tại Mỹ khiến không ít thành viên thị trường lo sợ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo sẽ diễn ra.

Cả 2 nhà băng kể trên đều phải đóng cửa do cạn thanh khoản, khách hàng rút tiền đồng loạt (tình trạng bank run), kéo theo hệ luỵ cho các ngân hàng khác trong hệ thống.

Trong bối cảnh này, Mark Zandi, kinh tế trưởng Moody’s Analytics đã chỉ ra 4 điểm khác biệt giữa khủng hoảng ngân hàng hiện tại và giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009.

Thứ nhất, đang xuất hiện tại một nhóm ngân hàng quy mô nhỏ và vừa, vốn chịu thiệt hại khi lĩnh vực công nghệ giảm tốc và thị trường tiền số bước vào “mùa đông”. Trong khi đó, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu, gần như mọi tổ chức tài chính, gồm cả nhà băng lớn và nhỏ đều chịu chung cơn lốc xoáy.

Trước đó, cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 được xem là một trong những cú lao dốc tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Việc thị trường bất động sản gặp trục trặc kéo theo thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng đóng băng và cho vay giảm mạnh.

Thứ hai, đã có nhiều cải tổ lớn với lĩnh vực tài chính sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 diễn ra.

Để ngăn chặn các cú sốc lớn với hệ thống ngân hàng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhà quản lý Mỹ đã tiến hành đại cải tổ trong thời gian dài. Hiện có nhiều quy định quản lý đối với các nhà băng hơn so với giai đoạn trước.

“Các cải tổ yêu cầu ngân hàng phải dữ trữ vốn nhiều hơn, đảm bảo thanh khoản ở mức tốt hơn và thường xuyên trải qua các bài kiểm tra áp lực để quyết định nên duy trì vốn ở mức nào trong các kịch bản kinh tế xấu”, Mark Zandi cho biết.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng Moody’s Analytics.

Thứ ba, chính phủ Mỹ đã phản ứng rất nhanh trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nhanh chóng can thiệp, thiết lập một quỹ hô trợ với quy mô 25 tỷ USD cấp thêm vốn cho các tổ chức lưu ký đủ điều kiện để đảm bảo các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả những người gửi tiền.

Hành động này sẽ góp phần tăng cường năng lực của hệ thống ngân hàng trong việc bảo vệ tiền gửi và cung ứng tiền liên tục cho nền kinh tế.

“Chúng tôi sẵn sàng giải quyết mọi áp lực thanh khoản có thể phát sinh”, Fed nhấn mạnh.

Theo Mark Zandi, thông điệp từ Fed đồng nghĩa với việc, người gửi tiền không cần lo lắng về các khoản tiền gửi tại ngân hàng. Đây là động thái sớm ngăn chặn các đổ vỡ có thể xuất hiện sau khi Silicon Valley Bank sụp đổ.

Trong khi đó, giai đoạn 2008 – 2009, phản ứng của giới chức Mỹ được xem là chậm chạp hơn nhiều. Ngân hàng Lehman Brothers đóng cửa vào ngày 15/9/2008 – sự việc mở đầu dẫn tới khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh thị trường bất động sản đã lâm vào khủng hoảng một thời gian. Tới ngày 3/10/2008, Chính phủ Mỹ mới công bố gói hỗ trợ quy mô 700 tỷ USD và nhiều quy định khác liên quan tới quản lý ngành ngân hàng thậm chí được ban hành vào tháng 7/2010.

Thứ tư, bối cảnh nền kinh tế khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn 2008 – 2009. Hiện tại, nền kinh tế Mỹ đang chứng tỏ sức mạnh vượt ra ngoài dự đoán của các thành viên thị trường. Số lượng việc làm gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp, chỉ 3,6%.

Vào các năm 2008 – 2009, nền kinh tế Mỹ đã chìm sâu vào suy thoái trong khoảng 9 tháng trước khi bong bóng bất động sản vỡ tung. Tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 10% vào tháng 10/2009.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*