4 điểm nhấn từ thượng đỉnh Nga – Trung

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 22/3 khép lại chuyến thăm tới Moskva, và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các cuộc thảo luận đã thể hiện rõ quyết tâm của hai nước trong nỗ lực thắt chặt quan hệ, với một số kết quả hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự tiệc chiêu đãi tại Điện Kremlin ở Moskva ngày 21/3. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự tiệc chiêu đãi tại Điện Kremlin ở Moskva ngày 21/3. Ảnh: Reuters.

Tăng hợp tác kinh tế

Tổng thống Putin hôm 21/3 nói Nga sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc “thay thế các tập đoàn phương Tây” đã rời nước này kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát.

Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc với tư cách vừa là thị trường nhập khẩu vừa là nhà xuất khẩu thiết bị điện tử quan trọng, sau khi Moskva hứng chịu loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây.

Hai lãnh đạo công bố 14 thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đậu nành tới năng lượng nguyên tử. Hai nước dường như cũng sẵn sàng mở rộng hợp tác năng lượng, trong bối cảnh Nga đang cần nơi tiêu thụ cho nguồn dầu mỏ, khí đốt mà châu Âu đang tìm cách quay lưng.

Ông Putin và ông Tập tuyên bố “sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác năng lượng chặt chẽ hơn, hỗ trợ các công ty của cả hai nước thúc đẩy những dự án hợp tác về dầu mỏ, khí đốt, than đá, điện và năng lượng hạt nhân”.

Phát biểu trước truyền thông, Tổng thống Putin nói thêm rằng đôi bên đã thảo luận các phương án tăng cường xuất khẩu khí đốt, trong đó có kế hoạch “triển khai sáng kiến xây dựng đường ống Power of Siberia 2 đi qua Mông Cổ”, được kỳ vọng sẽ giúp Nga xuất khẩu thêm 50 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc.

Nga dường như đặt rất nhiều kỳ vọng vào Power of Siberia 2. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc không đề cập đến đường ống trong các bình luận của mình. Tuyên bố chung cũng không đề cập đến việc hợp tác “nghiên cứu và tham vấn” về dự án.

Tổng thống Putin cho hay đã đạt được thỏa thuận với Mông Cổ về Power of Siberia 2, nhưng Phó thủ tướng Nga Alexander Novak sau đó làm rõ rằng thỏa thuận vẫn chưa hoàn thành và tập đoàn Gazprom đang gấp rút hoàn thiện hợp đồng.

Theo giới quan sát, hai câu hỏi lớn đặt ra là ai sẽ xây dựng đường ống dài 2.600 km và giá khí đốt được tính như thế nào. Trung Quốc hiện có vị thế mặc cả tốt khi Nga đang phải trông cậy vào họ để bù đắp cho thị trường châu Âu, vốn chiếm 80% lượng xuất khẩu của nước này.

Do lệnh trừng phạt và các vụ nổ làm tê liệt đường ống Nord Stream dưới Biển Baltic, giới phân tích dự đoán Gazprom sẽ chỉ cung cấp 50 đến 65 tỷ mét khối khí cho châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay, giảm từ mức đỉnh khoảng 200 tỷ mét khối hồi năm 2018.

Củng cố quan hệ quân sự

Phái đoàn Trung Quốc và Nga hội đàm tại Điện Kremlin ngày 21/3. Ảnh: Xinhua.

Phái đoàn Trung Quốc và Nga hội đàm tại Điện Kremlin ngày 21/3. Ảnh: Xinhua.

Mối đe dọa từ NATO và AUKUS, hiệp ước an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ, cũng như tác động của chúng đối với châu Á, là những vấn đề được hai lãnh đạo quan tâm hàng đầu trong cuộc gặp.

Ở châu Âu, Mỹ dẫn dắt các đồng minh thuộc NATO không ngừng hỗ trợ quân sự cho Ukraine chống lại Nga và củng cố khối liên minh quân sự. Tại châu Á, Washington tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, củng cố quan hệ với các đồng minh trong khu vực.

Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin đều bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trong tuyên bố chung về việc NATO “liên tục tăng cường quan hệ an ninh – quân sự với các nước châu Á – Thái Bình Dương”, nhấn mạnh họ “phản đối việc những lực lượng quân sự bên ngoài phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”.

Nga và Trung Quốc đồng thời cam kết “thúc đẩy hơn nữa tin tưởng lẫn nhau về mặt quốc phòng” thông qua tăng cường trao đổi, hợp tác quân sự, đồng thời thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không.

Thúc đẩy ‘thế giới đa cực’

Giới chuyên gia nhận định cuộc gặp thượng đỉnh là cơ hội quan trọng để đưa quan hệ hai nước vào “kỷ nguyên mới”, đối trọng với trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt.

Khi Chủ tịch Trung Quốc rời Điện Kremlin sau quốc yến với Tổng thống Nga tối 21/3, thông điệp chia tay của ông nhắc lại quan điểm ở Bắc Kinh rằng bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi.

“Cùng nhau, chúng ta thúc đẩy những thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua”, ông Tập nói khi bắt tay tạm biệt ông Putin, ám chỉ một kỷ nguyên mới mà Bắc Kinh cho là thời kỳ phương Tây suy tàn và Trung Quốc cần trỗi dậy.

Trong tuyên bố chung, hai lãnh đạo kêu gọi thúc đẩy “thế giới đa cực”, khái niệm thường được dùng để chỉ trật tự thế giới không do phương Tây dẫn dắt, đồng thời cam kết hợp tác nhằm “bảo vệ hệ thống quốc tế” cũng như Liên Hợp Quốc.

Lãnh đạo Nga – Trung còn công kích Washington ở nhiều khía cạnh, thể hiện rõ nhất qua lời kêu gọi “Mỹ ngừng hành vi phá hoại an ninh khu vực và quốc tế cũng như ổn định chiến lược toàn cầu chỉ để duy trì ưu thế quân sự đơn phương của mình”.

Theo Alexander Korolev, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học New South Wales, Australia, tuyên bố chung Nga – Trung cho thấy quan điểm và cách tiếp cận của Bắc Kinh và Moskva đối với nhiều vấn đề quốc tế “tương đồng” như thế nào.

“Họ đã thể hiện rõ ràng quan điểm xác định Mỹ là mối đe dọa an ninh lớn”, ông nói.

Chưa có lối thoát cho xung đột Ukraine

Trước khi ông Tập tới Moskva, giới quan sát nhận định Chủ tịch Trung Quốc sẽ thảo luận với Tổng thống Nga về một lộ trình rõ ràng nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Ông cũng được kỳ vọng sẽ điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ Moskva để trao đổi về kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đề xuất.

Tuy nhiên, cuộc gặp không chính thức tối 20/3 và hội đàm ngày 21/3 giữa ông Tập và ông Putin đã hoàn toàn không mang lại bước đột phá nào trong giải quyết cuộc khủng hoảng.

Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố, hai lãnh đạo kêu gọi chấm dứt những hành động “làm gia tăng căng thẳng” và “kéo dài chiến sự” ở Ukraine, nhưng không có thêm biện pháp nào cụ thể hơn, như một đề xuất về lệnh ngừng bắn.

Tuyên bố chung không đề cập tới vai trò của Nga trong cuộc xung đột, đồng thời thúc giục NATO “tôn trọng chủ quyền, an ninh, lợi ích” của các quốc gia khác. Thông điệp này dường như là cách để Moskva và Bắc Kinh tái khẳng định quan điểm lâu nay rằng chính NATO đã “kích động” Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.

Trước khi ông Tập thăm Nga, Trung Quốc đưa ra đề xuất 12 điểm để hướng tới một “giải pháp chính trị” cho cuộc xung đột, đồng thời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán hòa giải.

Tổng thống Putin nói rằng nhiều đề xuất của Trung Quốc có thể được “lấy làm cơ sở” giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng “chỉ khi phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó”. Tuy nhiên, kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh lại bị phương Tây và Kiev bác bỏ, bởi nó không có điều khoản buộc Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.

Hôm 21/3, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố một lệnh ngừng bắn chỉ “đóng băng” cuộc xung đột, cho Nga thêm thời gian “tái tập hợp lực lượng và sau đó quay lại với mong muốn duy nhất là kiểm soát Ukraine”.

Ông Tập cũng không thực hiện cuộc điện đàm với ông Zelensky như kỳ vọng. Sau khi Chủ tịch Trung Quốc kết thúc chuyến thăm và rời Moskva, Ukraine cáo buộc quân đội Nga tiến hành một đợt tập kích lớn bằng máy bay không người lái tự sát vào tỉnh Kiev, khiến một trường học bị phá hủy, 4 người thiệt mạng.

Giới chuyên gia đánh giá mục tiêu lớn nhất của cuộc gặp thượng đỉnh ở Moskva là củng cố đáng kể mối liên kết về mọi mặt giữa Moskva và Bắc Kinh trong nỗ lực làm suy yếu ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, khiến vấn đề Ukraine trở thành thứ yếu.

“Chuyến thăm của ông Tập rõ ràng đặt quan hệ Trung – Nga lên trên bất kỳ mối quan hệ song phương nào khác mà Trung Quốc có thể xây dựng”, Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hong Kong, nhận định.

Vũ Hoàng (Theo CNN, Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*