Báo động đỏ về giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM

Mức giải ngân rất thấp

Chủ tịch UBND TP.HCM vừa tiếp tục ký văn bản khẩn gửi các sở/ngành, quận/huyện và Ban Quản lý dự ánđầu tư xây dựng, yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đây không phải lần đầu tiên, Chủ tịch UBND TP.HCM gửi văn bản đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công. Ngay từ những ngày đầu năm 2023, chính quyền Thành phố đã liên tục đốc thúc bằng cả văn bản và chỉ đạo tại các cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội hằng tháng.

Dù vậy, qua số liệu báo cáo của Kho bạc Nhà nước TP.HCM, 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách Thành phố mới là 369 tỷ đồng (đạt 1% so với kế hoạch đã giao). Còn vốn ngân sách Trung ương thậm chí chỉ giải ngân được 0,52% so với kế hoạch được giao.

Năm 2023, TP.HCM được Chính phủ phân bổ 70.518 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 13.880 tỷ đồng; vốn địa phương là 55.225 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với năm 2022); vốn nước ngoài ngân sách Trung ương là 1.413 tỷ đồng.

Phần lớn vốn đầu tư công của TP.HCM dành cho đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng hoặc mang tính liên kết vùng, như đường Vành đai 3; Quốc lộ 50; nút giao An Phú; đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa (nối vào sân bay Tân Sơn Nhất).

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế vào đầu tháng 3/2023, Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) TP.HCM nhận thấy, 3 dự án hạ tầng gồm Dự án Mở rộng Quốc lộ 50; nút giao An Phú; đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa đang thi công cầm chừng, chưa triển khai đồng bộ, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ. Điều đáng nói là, các dự án này đã được bố trí đủ vốn, đã có mặt bằng, nhưng thi công rất chậm.

Quy định rõ chế tài đối với đơn vị chậm giải ngân

Để sớm cải thiện tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND TP.HCM vừa ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. So với chương trình hành động của năm 2022, chương trình hành động năm nay bổ sung một số giải pháp mới, kèm theo chế tài xử lý rõ ràng khi các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tiên, là việc xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, nếu 2 kỳ liền không có báo cáo hoặc 3 kỳ không báo cáo, sẽ bị khiển trách. Nếu 3 kỳ liền không có báo cáo, hoặc 4 kỳ không báo cáo, sẽ bị cảnh cáo. Trong trường hợp vi phạm quy định về chế độ báo cáo, thì các dự án đầu tư công chỉ được bố trí vốn kế hoạch và giải ngân sau khi tiến hành xử lý.

Đặc biệt, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương. Nếu chỉ đạt dưới 90% do lỗi chủ quan, thì không xét thi đua hoàn thành nhiệm vụ tốt cho người đứng đầu, chủ đầu tư dự án liên quan. Về chế tài, những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực trong quản lý đầu tư công, làm trì trệ tiến độ, sẽ bị thay thế và có chế tài xử lý nghiêm khắc.

Đối với các dự án vướng giải phóng mặt bằng, UBND Thành phố yêu cầu chủ đầu tư rà soát, nếu không thể thi công tiếp, thì chủ động đề xuất dừng hoặc thu hẹp quy mô dự án, tránh tình trạng “ngâm” vốn hoặc phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Đối với các dự án đến nay đã hết thời gian thực hiện, thì chủ đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo quy định.

Về thủ tục, chương trình hành động cũng đặt ra mục tiêu rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thẩm tra phê duyệt quyết toán đối với các dự án đã được bố trí vốn.

Như vậy, với mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% năm 2023, trong 3 quý còn lại, mỗi quý, TP.HCM phải giải ngân đạt ít nhất hơn 30%, thì mới đạt chỉ tiêu. Với mức giải ngân báo động như 2 tháng đầu năm, nếu không có giải pháp quyết liệt và kịp thời trong những tháng còn lại, thì rất khó để Thành phố đạt được mục tiêu đề ra.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*