Gucci là một đế chế thời trang hàng đầu thế giới, nhưng câu chuyện đằng sau những lớp vải hào nhoáng, lộng lẫy là cả một lịch sử đau đớn mà chính người trong gia tộc cũng không muốn nhắc lại. Cũng vì những mâu thuẫn, đấu đá kịch tính liên miên mà Gucci đã trở thành “nguồn cảm hứng” cho nhiều bộ phim, vở kịch.
Guccio Gucci là người sáng lập ra thương hiệu, nhưng ông lại nhắm mắt làm ngơ, thậm chí tạo điều kiện để các con của mình có thêm “động lực” tranh giành, đấu đá nhau không từ thủ đoạn nào. Sự thù địch không chỉ truyền sang đời con mà cả đời cháu của ông. Vậy câu chuyện bắt đầu như thế nào?
May mắn mỉm cười nhờ sự tận tụy, tâm huyết
Guccio Gucci sinh ra trong gia đình đan nón rơm ở Florence, Ý. Cuối những năm 1800, gia đình phá sản. Ông ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Ông đến Savoy, một trong những khách sạn sang trọng nhất London thời bấy giờ.
Guccio xông pha làm đủ mọi công việc tay chân, từ bồi bàn, rửa bát, đến bấm thang máy, làm mọi thứ – miễn là kiếm ra tiền. Guccio dần nhận ra những khách thuê phòng giàu có thường đam mê những chiếc túi da xa xỉ. Túi da không chỉ đơn thuần là phụ kiện mà còn thể hiện địa vị xã hội với họ.
Sau bốn năm, Guccio trở lại quê hương, lập gia đình và tìm được việc trong công ty sản xuất đồ da. Guccio nhanh chóng thành thạo chuyên môn và tự đứng ra mở một cửa hàng riêng mình tại khu mua sắm sang trọng vào năm 1921. Ban đầu ông nhập bán túi xách và vali bằng da của các nhà cung cấp ở Đức và Anh, về sau ông tự thiết kế sản phẩm của riêng mình.
Guccio chụp cùng cha mẹ, ông Gabriello và bà Elena Gucci vào năm 1905
Nhờ việc Guccio đặt tâm huyết vào từng sản phẩm mà cửa hàng ông bắt đầu phát triển danh tiếng. Những món đồ của ông trở nên “độc nhất vô nhị” vì được lấy cảm hứng từ văn hóa đua ngựa. Nhiều người nổi tiếng rất chuộng các sản phẩm thủ công tinh xảo của Guccio.
Từ đây, thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci chính thức đến với thế giới.
Nhà máy sản xuất đầu tiên của Gucci ở Florence
Túi và vali Gucci vào những năm 1930
Vết nứt đầu tiên
Truyền thông thường nhắc đến 3 người con của Guccio Gucci nhưng thực chất là ông có đến 5 người con ruột, gồm Grimalda, Enzo, Aldo, Vasco và Rodolfo, ngoài ra còn có thêm con trai riêng của vợ, tên Ugo Calvelli Gucci. Cậu con trai Enzo không may mất vào năm 9 tuổi.
Guccio gây dựng nên thương hiệu đình đám nhưng chính những người con của ông mới đem tên tuổi thương hiệu của cha vượt tầm quốc tế. Công lớn nhất thuộc về Aldo Gucci.
Aldo dường như rất nhạy bén với những vấn đề kinh doanh. Năm 14 tuổi, ông phụ giúp gia đình kinh doanh. Năm 20 tuổi, ông tìm cách mở rộng cửa hàng ra bên ngoài biên giới nước Ý, mặc cho sự ngăn cản của cha. Sự ương ngạnh của Aldo đã giúp Gucci “tiến thân” đến New York, London, Paris, Tokyo, Hong Kong và các thành phố khác trên thế giới. Ông bổ sung thêm các dòng sản phẩm mới, gồm giày hiệu, âu phục may sẵn, đồng hồ, nước hoa và các dòng sản phẩm vải và da giá rẻ.
Rodolfo là con út trong gia đình, mặc dù bước vào công cuộc kinh doanh hơi muộn nhưng là một nhà sáng tạo tài năng. Một trong những sản phẩm nổi bật nhất của ông là chiếc khăn Flora dành cho Thân vương phi của Monaco – Grace Kelly.
Vasco thì ngược lại với hai ông anh, lười biếng, kiêu ngạo, không đóng góp được một sáng kiến nào cho thương hiệu. Thế nhưng di sản của cha vẫn được kế thừa lại cho ông. Chỉ có một người con không được nhận khối tài sản khổng lồ của cha, đó là cô con gái duy nhất – Grimalda.
Ba anh em nhà Gucci: Aldo, Vasco và Rodolfo Gucci
Khi gây dựng cơ nghiệp, Guccio rất bận rộn và không dành nhiều thời gian cho gia đình, tính cách ít nói của ông cũng khiến mối quan hệ của các thành viên lạnh nhạt. Tuy vậy, là dân kinh doanh, ông học được nhiều bài học xương máu, một trong số đó là phải trở thành kẻ sống sót trên thương trường, bởi “kẻ sống sót là người chiến thắng”, theo lời Guccio.
Guccio thường để lũ trẻ giám sát nhau, vạch trần đối phương bằng cách kể tội. Chúng lớn lên và hình thành một thói quen phải chà đạp lên anh chị em mình để giành chiến thắng.
Bên cạnh cách giáo dục con độc hại, Guccio lại có tính “trọng nam khinh nữ”, và Grimalda lại là nạn nhân của tư tưởng này. Người con gái Grimalda đã cống hiến rất nhiều cho việc kinh doanh của gia đình.
Grimalda và chồng thậm chí còn đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm để giúp sự nghiệp của cha trụ vững trong thời kỳ khó khăn nhất. Đáp lại ân nghĩa, Guccio tuyên bố rằng Grimalda phải tự mình đánh bại tất cả các anh em trai và tranh giành tài sản với họ.
Ngày ông ra đi, Guccio để lại di chúc cho ba người con trai là Aldo, Vasco và Rodolfo. Enzo Gucci mất từ bé còn con riêng Ugo Calvelli Gucci trở thành quân nhân nên bị loại bỏ khỏi gia tộc, chỉ còn bốn người con thì ba đứa con trai đều nhận được phần lớn khối tài sản.
Grimalda được cho là chỉ nhận được vài mẫu đất nhỏ. Tức tối trước quyết định bất công của cha, bà cùng chồng đấu tranh giành quyền thừa kế nhưng bị “đè bẹp” bởi anh em trai. Cuộc nội chiến của “vương triều” Gucci được mở ra và nối tiếp bởi những màn xâu xé kịch tính.
Theo ghi chép trong cuốn sách The House of Gucci, những năm 1950, Aldo đã nói dối về việc gia đình mình có xuất thân cao quý, mục đích là để có được chiếc phù hiệu áo giáp – một biểu tượng của giới quý tộc Ý có từ thế kỷ XVIII, nhờ đó làm tên tuổi Gucci thêm rạng danh.
Grimalda vạch trần cho lừa đảo và không ngần ngại nói với công chúng về xuất thân khiêm tốn của gia đình. Kế hoạch đánh bóng hình ảnh thương hiệu không thành công lần một, Aldo tiếp tục dối trá thừa nhận Gucci là nhà cung cấp dây nịt cho hoàng gia, sự việc một lần nữa bị Grimalda lật tẩy. Nhà Gucci một lần nữa trở thành trò cười cho công chúng.
Sau này, những thông tin về Grimalda không còn được ghi chép lại nhiều, chỉ biết rằng các thế hệ sau thường nhắc về bà với nhiều tiếc nuối. Trong cuốn Name of Gucci, Grimalda còn từng cho rằng mình đã “sinh ra nhầm giới tính”.
“Tính xấu” được thừa kế qua từng thế hệ
Aldo và Rodolfo, hai trụ cột chính của nhà Gucci thời bấy giờ, có nhiều điểm khác biệt, nhưng họ học được cách hòa hợp, nhượng bộ để đưa nhà Gucci tiến thân vào giới thượng lưu.
Mãi cho đến khi những đứa con của họ xuất hiện và nhúng tay vào “cơ đồ” thì vấn đề thực sự mới bắt đầu. Trong đó kẻ gây rối lớn nhất là Paolo, con trai của Aldo. Paolo tài năng nhưng thuộc dạng rất khó làm việc cùng.
Paolo, Aldo và Rodolfo Gucci trong buổi khai trương cửa hàng Old Bond Street ở London năm 1977.
Làm việc cho Gucci một thời gian, Paolo ấp ủ tham vọng thành lập một nhãn hiệu thiết kế hoàn toàn mới trong công ty, mở cửa hàng riêng và nhắm mục tiêu đến nhóm người trẻ hơn. Aldo và Rodolfo từ chối và giao cho Paolo một chức vụ nhỏ. Gã đàn ông nổi loạn có vẻ không hài lòng chút nào.
Năm 1980, Paolo bí mật tung ra nhãn hiệu thiết kế của riêng mình mà không nói cho Aldo hay Rodolfo biết. Khi phát hiện ra, cả hai sa thải Paolo và kiện tụng để không cho ông dùng danh hiệu Gucci trong các hoạt động kinh doanh về sau.
Có vẻ như Paolo đã thừa hưởng được phong cách làm việc bằng mọi giá “trở thành kẻ sống sót trên thương trường” của cha Aldo, chú Rodolfo và ông nội Guccio. Ông ghim mối thù trong lòng và đệ trình lên tòa án Hoa Kỳ các tài liệu cho thấy Aldo đã lừa chính phủ Hoa Kỳ 7 triệu đô tiền thuế.
Aldo ngồi tù một năm vì tội trốn thuế, nhưng đó không phải sự sỉ nhục duy nhất mà đứa con trai “nghịch tử” gây ra. Khi Rodolfo qua đời năm 1983, 50% cổ phần của ông được chuyển cho người thừa kế duy nhất của ông – người con trai tên Maurizio.
Maurizio và ông anh họ Paolo đã thông đồng và cùng nhau đi đến một thỏa thuận để nắm quyền kiểm soát, “phế ngôi” Aldo. Hai năm sau khi Rodolfo qua đời, hai anh em họ thực hiện được kế hoạch tước bỏ quyền lực của Aldo rồi thành công đuổi ông ra khỏi công ty hoàn toàn.
Paolo Gucci và Maurizio Gucci
Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó, Paolo cũng có kế hoạch cho riêng mình, mặc dù trước đó đã hứa sẽ cho em họ Maurizio cổ phần của công ty, Paolo “lật mặt” và báo với chính quyền Ý về tội gian lận thuế thừa kế của Maurizio, buộc Maurizio phải trốn sang Thụy Sĩ một thời gian để lánh nạn.
Giải quyết xong xuôi các vấn đề giấy tờ, Maurizio “mua chuộc” những người anh chị em họ khác trong gia tộc để giành lại quyền kiểm soát Gucci, đồng thời tìm đến ngân hàng đầu tư Investcorp để thỏa thuận hợp tác.
Sau này Paolo tích đủ tiền để phát triển nhãn hiệu thiết kế riêng và rời công ty, còn Maurizio lên nằm quyền điều hành Gucci năm 1989. Cả hai đều sớm “ngã ngựa”. Paolo thất bại vì đầu óc kinh doanh kém cỏi. Năm 1993, ông nộp đơn xin phá sản, khánh kiệt đến mức không thể thanh toán hóa đơn điện thoại. Khi ông qua đời vì suy gan vào năm 1995 ở tuổi 64, công ty Gucci đã mua bản quyền tên của ông.
Maurizio Gucci thì phát hiện mình không hợp với việc kinh doanh đồ da như kỳ vọng. Maurizio không có tầm nhìn nên đã giết chết nhiều dòng sản phẩm sinh lời nhất của công ty. Cuối năm 1991, Gucci có giá trị tài sản ròng âm 17,3 triệu đô la và lỗ 30 triệu đô mỗi năm. Gia tộc Gucci mất quyền kiểm soát và tới nay không còn ai thuộc gia tộc điều hành Gucci nữa.
Bi kịch chưa dừng lại với Maurizio ở đó, năm 1995, Maurizio bị một tên sát thủ do vợ cũ là Patrizia Reggiani thuê để ám sát ông. Bày tỏ với tờ The Guardian, Patrizia cho biết: “Tôi tức giận với Maurizio về nhiều điều. Nhưng tức nhất vẫn là việc làm tán gia bại sản. Thật ngu ngốc. Tôi cực kỳ phẫn nộ nhưng không làm gì được. Tôi vẫn cảm thấy mình là một phần của Gucci”.
Maurizio và Patrizia Reggiani thời còn mặn nồng
Hiện nay, không một ai trong gia tộc còn làm việc tại Gucci. Hai người con gái Allegra and Alessandra của Maurizio được thừa hưởng khối tài sản của cha. Một nguồn tin cho hay họ đang sống một cuộc đời khá kín tiếng tại Thụy Sĩ. Những người con cháu khác thì không còn bất kỳ liên hệ nào với thương hiệu nữa.
Maurizio đặt dấu chấm hết cho sự nối tiếp của gia tộc Gucci về sau này, nhưng thương hiệu mà cha, chú và ông của Maurizio đã gây dựng nên thì trở thành một biểu tượng xuất chúng trong thế giới thời trang xa xỉ.
Nhiều người tự hỏi, nếu ngày xưa Guccio không nhồi nhét vào đầu con mình những tư tưởng độc hại, nếu Maurizio và Paolo không trở thành những phiên bản khác của cha và chú mình, thì gia tộc Gucci giờ đây đã có thể lớn mạnh hơn thế nào?
Để lại một phản hồi