Pin chỉ “trầy xước” cũng có thể phá hủy cả 1 chiếc ô tô
Theo thông tin do tờ Reuters cung cấp, đối với các bộ pin của đa số dòng xe điện, dù chỉ hư hỏng nhẹ sau tai nạn nhưng cũng khó để sửa chữa hay đánh giá tình trạng hư hại của nó. Vì vậy, điều này có thể khiến các công ty bảo hiểm phải “bỏ” cả chiếc xe mới dù chỉ mới đi được vài chục km.
Chính bởi lý do này, ở một số quốc gia trên thế giới, những bộ pin đó đang chất đống trong các bãi phế liệu và có thể gây hại tới môi trường.
Theo Matthew Avery, Giám đốc nghiên cứu của công ty đánh giá rủi ro ô tô Thatcham Research cho biết: “Chúng ta mua ô tô điện vì lý do bền vững. Nhưng một chiếc xe điện sẽ không bền nổi nếu bạn phải vứt pin đi chỉ sau một va chạm nhỏ”.
Mỗi bộ pin có thể có giá lên tới hàng chục nghìn USD và chiếm tới 50% giá xe điện. Điều này khiến việc thay pin không phải bài toán kinh tế khôn ngoan. Nhưng câu hỏi đặt ra là, kể cả không thay pin mà mua xe mới thì liệu có phải một quyết định “sáng suốt” hay không?
Pin xe điện bị hỏng
Trong khi một số nhà sản xuất ô tô như Ford Motor Co và General Motors Co cho biết họ đã thiết lập các bộ pin dễ sửa chữa hơn thì Tesla lại có hành động ngược lại khi chiếc Model Y được sản xuất tại Texas (Mỹ) có bộ pin được các chuyên gia mô tả là “không thể sửa chữa”. Về nhận định này, đến nay, hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk đã không đưa ra bất cứ bình luận nào.
Tesla đã chế tạo các bộ pin có “cấu trúc mới” giúp thương hiệu cắt giảm được chi phí sản xuất nhưng lại đẩy những chi phí đó ngược lại người tiêu dùng và các công ty bảo hiểm. Được biết, bộ pin mới này hoạt động như một cấu trúc trên thân xe, liên kết các bộ phận gầm trước và gầm sau nên khó di dời ra ngoài để sửa.
Theo Sandy Munro, người đứng đầu Munro & Associates – công ty chuyên tháo dỡ phương tiện và tư vấn cách nâng cấp ô tô, bộ pin mới của Tesla, nếu hỏng sẽ đi thẳng vào máy mài.
Vào tháng 1, Giám đốc điều hành Elon Musk nói rằng chi phí bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm bên thứ ba trong một số trường hợp cao một cách bất hợp lý. Tuy nhiên, phía Tesla cũng cung cấp sản phẩm bảo hiểm của riêng mình ở hàng chục tiểu bang của Mỹ cho chủ sở hữu Tesla với mức giá thấp hơn.
Ngoài ra, công ty bảo hiểm và chuyên gia trong ngành cho biết nếu Tesla và một số nhà sản xuất ô tô khác không sản xuất pin dễ sửa chữa hơn và không cung cấp cho bên thứ ba quyền truy cập vào dữ liệu pin, thì phí bảo hiểm vốn đã cao sẽ tiếp tục tăng khi doanh số bán xe điện tăng theo.
Christoph Lauterwasser, giám đốc điều hành của Trung tâm Công nghệ Allianz, một viện nghiên cứu thuộc sở hữu của Allianz cho biết: “Khi số lượng các trường hợp tai nạn tăng thì việc xử lý pin lại càng là một điểm quan trọng”. Nếu không xử lý tốt, môi trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Hầu hết các nhà sản xuất ô tô cho biết bộ pin của họ có thể sửa chữa được. Nhưng dường như có rất ít nhà sản xuất sẵn sàng chia sẻ quyền truy cập vào dữ liệu pin của họ. Các công ty bảo hiểm, công ty cho thuê và cửa hàng sửa chữa ô tô đã đấu tranh với rất nhiều nhà sản xuất để giành quyền truy cập vào dữ liệu ô tô đó.
Bởi lẽ, một số bộ pin có thể bị trầy xước nhưng bộ phận bên trong vẫn còn cách “cứu được”. Tuy nhiên, nếu họ không có quyền tiếp cận vào các dữ liệu thì có thể sẽ phải “loại bỏ hoàn toàn” những chiếc xe điện bị hỏng.
Xe điện – Bảo vệ môi trường hay không?
Qua đây, nhiều người nhận thấy các vấn đề liên quan tới pin xe điện đã làm lộ ra nhược điểm về một “nền kinh tế tuần hoàn” mà các thương hiệu sản xuất ô tô thường hứa hẹn.
Michael Hill, người đứng đầu Synetiq – công ty cứu hộ lớn nhất của Anh, cho biết trong 12 tháng qua, số lượng xe điện phải kiểm tra khả năng chống rủi ro hỏa hoạn do công ty phụ trách đã tăng vọt, có ngày đỉnh điểm lên tới 20 chiếc xe. “Chúng tôi đã chứng kiến một sự thay đổi thực sự lớn và nó diễn ra ở tất cả các nhà sản xuất”.
Nước Anh hiện không có cơ sở tái chế pin xe điện, vì vậy Synetiq phải tháo pin ra khỏi những chiếc ô tô hỏng và cất chúng trong thùng chứa. Hill ước tính ít nhất 95% linh kiện trong hàng trăm bộ pin EV và hàng nghìn bộ pin hybrid được lưu trữ tại Synetiq vẫn còn dùng được và nên được tái sử dụng.
Hiện tại chi phí bảo hiểm cho hầu hết các dòng xe điện đã cao hơn so với ô tô truyền thống. Theo công ty môi giới trực tuyến Policygenius, chi phí thanh toán trung bình hàng tháng của Mỹ cho bảo hiểm xe điện vào năm 2023 là 206 USD, cao hơn 27% so với các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong.
Chi phí bảo hiểm cho hầu hết các dòng xe điện cao hơn so với ô tô truyền thống.
Pin thay thế cho Tesla Model 3 có thể lên tới 20.000 USD – đối với một con xe trong tầm giá chỉ khoảng 43.000 USD và còn mất giá trị theo thời gian. Andy Keane, giám đốc công ty bảo hiểm AXA cho biết pin thay thế quá đắt khiến việc thay pin đôi khi “không khả thi”.
Những chiếc pin không thể tái sử dụng, chất đống có thể gây ô nhiễm môi trường – hoàn toàn trái ngược với những lời hứa hẹn “bảo vệ môi trường” mà các hãng xe thường dùng để thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện của người dân.
Mặt khác, không thể phủ nhận, các cửa hàng chuyên sửa chữa xe điện và thay thế pin vẫn được mở ra. Nhưng việc “tái chế” này vẫn rất thận trọng để tránh trường hợp bị kiện tụng vì phá hủy xe.
Tham khảo Reuters
Để lại một phản hồi