Chính phủ Pháp từ chối xem xét lại luật tăng tuổi hưu

Lãnh đạo công đoàn CFDT Laurent Berger và một số công đoàn khác tại Pháp đang kêu gọi chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron đình chỉ luật cải cách hưu trí, đề nghị sử dụng các bên hòa giải bên ngoài vì chính phủ và công đoàn vẫn chưa có tiếng nói chung.

Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Pháp đã bác bỏ ý tưởng này, khẳng định nội các sẵn sàng thảo luận về những thay đổi chính sách khác, nhưng không xem xét lại luật tăng tuổi hưu.

“Chúng tôi đã đề xuất một lối thoát và thật không thể chấp nhận được khi chúng tôi lại bị cản trở”, lãnh đạo CFDT Berger nói.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thủ đô Paris ngày 14/3. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại thủ đô Paris ngày 14/3. Ảnh: AFP

Hàng triệu người đã tổ chức biểu tình và tham gia đình công kể từ giữa tháng một nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi hưu của Tổng thống Macron. Các cuộc biểu tình gia tăng đáng kể từ khi chính phủ sử dụng quyền hạn đặc biệt để thông qua luật tại quốc hội mà không cần bỏ phiếu.

Tại thành phố miền tây Nantes ngày 28/3, mặt trước của một chi nhánh ngân hàng BNP Paribas đã bị phóng hỏa. Cũng ở miền tây Pháp, những người biểu tình đã chặn đường vành đai Rennes và đốt một chiếc ôtô. Tại thành phố Rouen thuộc vùng Normandie, nhà chức trách xác nhận đã xảy ra đụng độ.

Theo luật mới, tuổi hưu của người lao động sẽ tăng thêm ba tháng mỗi năm từ tháng 9 năm nay và sẽ chạm mức 64 tuổi vào năm 2030. Tuổi nghỉ hưu hiện nay ở Pháp là 62.

Từ năm 2027, người lao động sẽ phải có thâm niên đủ 43 năm, thay vì 42 năm như trước đây, nếu muốn hưởng lương hưu đầy đủ. Luật mới đảm bảo mức lương thấp nhất cho người mới nghỉ hưu không ít hơn 85% lương tối thiểu, tương đương 1.200 euro/tháng. Sau năm đầu tiên, lương hưu sẽ được tính toán lại theo chỉ số lạm phát.

Henri Sterdyniak, nhà kinh tế tại tổ chức nghiên cứu cánh tả Observatoire Francais des Conjonctures Economiques, cảnh báo luật cải cách hưu trí sẽ tác động tới nhiều thành phần của xã hội Pháp, nhưng tầng lớp lao động phổ thông sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn.

Tổng thống Macron giải thích rằng cải cách hưu trí là cần thiết để giữ hệ thống bền vững hơn. Hội đồng Cố vấn Hưu trí Pháp ước tính hệ thống hưu trí Pháp thâm hụt mỗi năm khoảng 10 tỷ euro (10,73 tỷ USD) từ năm 2022 đến 2032.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*