BSI:
Xem hồ sơ doanh nghiệp
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC, mã: BSI) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức vào ngày 14/4 với nhiều nội dung quan trọng.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023 , BSC lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần thực hiện năm 2022 (149 tỷ đồng).
Công ty cũng đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE năm 2023. Ngoài ra, hệ số an toàn tài chính dự kiến tối thiểu 260%.
Đánh giá về thị trường trong năm nay, ban lãnh đạo BSC nhận định kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng xảy ra. Song, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.
Đồng thời, cùng với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi các chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn cho thị trường, bên cạnh áp lực về điều hành tỷ giá, lãi suất của NHNN phần nào đã được giảm bớt vào cuối năm sẽ là những yếu tố nâng đỡ, tạo đà trong năm 2023.
Về phương án chi trả cổ tức năm 2022 , BSC dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức 10% với cả 2 hình thức tiền mặt và cổ phiếu (cùng tỷ lệ 5%). Sang năm 2023, mức chi cổ tức dự kiến 10% bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Đổi tên thành “CTCP Chứng khoán BIDV” và tăng vốn điều lệ
Một trong những nội dung quan trọng tiếp theo được công bố, BSC sẽ trình đại hội đồng cổ đông về việc đổi tên công ty. HĐQT BSC đề xuất thay đổi tên từ “CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam” thành “CTCP Chứng khoán BIDV” và tên viết tắt là BSC.
Lý giải đề xuất trên, BSC cho biết do tên gọi hiện tại chưa gắn sát với tên đầy đủ của ngân hàng mẹ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đồng thời tên giao dịch tiếng Anh của công ty hiện là BIDV Securities Joint Stock Company cũng chưa sát với tên doanh nghiệp tiếng Việt.
Bên cạnh đó, tên gọi tiếng Việt của BSC hiện khá dài, gây khó khăn cho khách hàng trong việc ghi nhớ, đồng thời không thuận lợi trong công tác thiết kế bảng hiệu.
Mặt khác, theo tài liệu đại hội, HĐQT BSC cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành thêm 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh doanh của công ty. Trong đó, gần 9,4 triệu cổ phiếu được phát hành để trả cổ tức (tỷ lệ thực hiện quyền 5%) và hơn 5,6 triệu cổ phiếu được phát hành theo phương án xử lý Quỹ dự trữ bổ sung VĐL và Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ (tỷ lệ 3%).
Nếu 2 đợt phát hành đều thành công, vốn điều lệ của BSC sẽ tăng từ hơn 1.878 tỷ đồng lên gần 2.028 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, BSC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 149 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Công ty mới hoàn thành 32% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế sụt giảm, BSC cho biết nguyên nhân chủ yếu do thị trường chứng khoán năm 2022 có nhiều biến động, đặc biệt nửa cuối năm 2022 ghi nhận dấu hiệu tiêu cực. Do đó, doanh thu hoạt động giảm khoảng 20% so với năm 2021 trong đó lãi bán các tài sản tài chính FVTPL giảm 46% và doanh thu môi giới chứng khoán giảm 32%.
Để lại một phản hồi