Tính tới 20h09 theo giờ Hà Nội, Stoxx Europe 600 toàn châu Âu giảm 0,87%. Hầu hết các cổ phiếu đều giảm. Riêng chỉ có dầu và khí đốt tăng 1,3%.
Diễn biến tiêu cực của chứng khoán châu Âu diễn ra dù đã phục hồi mạnh trong phiên trước đó. Riêng cổ phiếu Credit Suisse đã giảm tới 12% dù tăng 18,8% trong phiên ngày hôm qua. Có vẻ như các nhà đầu tư đang đánh giá lại tác động của những biến cố gần đây trong lĩnh vực Ngân hàng.
Frédérique Carrier, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của RBC Wealth Management, cho biết: “Liệu những người gửi tiền có đủ vững tin để ngăn chặn việc rút tiền ồ ạt hay không là một câu hỏi quan trọng trong vài ngày tới”.
Ngay cả khi thị trường cảm thấy “nhẹ nhõm” sau khi Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ can thiệp vào tình hình của Credit Suisse cũng như nhiều ngân hàng ở phố Wall bơm tiền hỗ trợ First Republic Bank nhưng tâm lý thị trường vẫn khá mong manh. Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi các nhà đầu tư có thể cảm thấy lo lắng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất.
Trong khi đó, Corrado Passera, Giám đốc điều hành của Illimity Bank, tin rằng cú sập của SVB sẽ không thể xảy ra ở châu Âu, một phần là do “các biện pháp kiểm soát toàn diện” đã và đang được áp dụng ở lục địa này.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ bước vào phiên giao dịch với sắc đỏ bao trùm. Dow Jones giảm 217 điểm, tương đương 0,67%. S&P 500 giảm 0,25% còn Nasdaq mất 0,11%.
Trước đó, tín hiệu không mấy tích cực của chứng khoán Mỹ đã được báo trước. Ngay trước phiên giao dịch, Dow Jones Futures đã giảm hơn 200 điểm, S&P 500 Futures và Nasdaq Futures cũng giảm lần lượt 0,47% và 0,1%.
Cổ phiếu của Ngân hàng First Republic giao dịch ngoài giờ cũng đã giảm 20% dù tăng 10% trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Cổ phiếu Credit Suisse được niêm yết tại Mỹ cũng đang giảm.
Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư cũng đang cố gắng đoán xem cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng có thể tác động như thế nào tới cuộc họp chính sách của FED, dự kiến diễn ra tuần tới. Dù những gì đang xảy ra gây áp lực lên nền kinh tế và thị trường nhưng những vấn đề đang tồn tại với nền kinh tế Mỹ từ trước đó khiến FED vẫn phải cân nhắc hành động để kiểm soát lạm phát.
Tham khảo: CNBC
Để lại một phản hồi